Cuộc bỏ phiếu sẽ thực sự là cuộc đấu giữa người Dân chủ và những người Cộng hòa ủng hộ ông Trump về một vấn đề đã khiến nước Mỹ chia rẽ sâu sắc kể từ khi ông Trump nhậm chức tháng 1/2017 với một Quốc hội do đảng của ông lãnh đạo. Tuy nhiên, việc đảng Dân chủ nắm Hạ viện kể từ sau cuộc Bầu cử giữa Kỳ đã khiến nhiều việc có thể thay đổi.
Gói ngân sách mà người Dân chủ đệ trình hôm thứ 2 gồm 2 phần, bao gồm dự luật nhằm tài trợ kinh phí cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ đến hết ngày 8/2 dù có bức tường mới hay không cũng như một gói sáu biện pháp trị giá gần 265 tỷ USD giúp cho các cơ quan khác của chính phủ Mỹ tránh khỏi tình trạng bị đóng cửa đến hết ngày 30/9/2019.
Ngày 3/1 được ấn định là ngày bỏ phiếu tại Hạ Viện, nơi người Dân chủ đang chiếm đa số.
Nếu được thông qua ở Hạ viện, gói ngân sách này sẽ được trình lên Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo. Tuy nhiên, kết quả của nó dường như đã được dự báo trước. Ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, cho rằng: "Đơn giản thôi: Thượng viện sẽ không gửi bất cứ thứ gì mà Tổng thống không ký".
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời 8 lãnh đạo của đảng Dân chủ và Cộng hòa tới Nhà Trắng để thảo luận về tình trạng chính phủ đóng cửa và ngân sách cho bức tường biên giới. Đây là lần đầu tiên ông Trump gặp lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa kể từ khi Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần vào ngày 22/12 năm ngoái.
Tổng thống Trump cũng đã viết về một thỏa thuận tiềm năng giữa ông với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trên mạng xã hội. Đáp lại, bà Pelosi cho biết Tổng thống đã trao cho đảng Dân chủ một cơ hội tuyệt vời để cho thấy "cách chúng tôi lãnh đạo có trách nhiệm và nhanh chóng vượt qua sự đóng cửa chính phủ vô trách nhiệm này".
Tuy nhiên, Phóng viên Garrett Haake của MSNBC dẫn lời một số người Dân chủ cho rằng cuộc họp của ông Trump ở Nhà Trắng không giống với một cuộc đàm phán thực sự mà chỉ là giải pháp tình thế. Tính tới thời điểm hiện tại, Quốc hội Mỹ vẫn chưa có giải pháp nào để chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần.
Hiện tại, 9 trong số 15 cơ quan chính phủ và các tổ chức khác nhau của Mỹ đã bị đóng cửa trong 11 ngày sau khi ông Trump yêu cầu Quốc hội Mỹ chấp thuận kinh phí 5 tỷ USD cho bức tường biên giới mà ông muốn xây dựng. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ đã không chấp nhận yêu cầu của Tổng thống Trump và ông chủ Nhà Trắng lại không tỏ vẻ muốn nhượng bộ.