SBT hoàn toàn có thể kêu gọi nhà đầu tư chiến lược thời gian tới
Nói về việc kêu gọi vốn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài, bà Đặng Huỳnh Ức My – Thành viên HĐQT – cho biết đây là một quá trình không chỉ dừng lại tại việc kêu gọi, đàm phán chiến lược kinh doanh như thế nào mà là hành trình thay đổi về cơ cấu, tổ chức và chuẩn mực tài chính... Đặc biệt, trong chu kỳ ngành đường đang đi xuống suốt 14 năm qua thì sức hấp dẫn nhà đầu tư ngoại cũng khó lòng đạt được.
Phần trần, bà My cho biết suốt thời gian qua SBT vẫn tiếp tục chiến lược kêu gọi đầu tư ngoại, trong đó Công ty đã thay đổi chuẩn mực kế toán hợp với thông lệ quốc tế. Với chừng ấy khó khăn vừa nêu bà My đồng ý rằng chiến lược này đang bị kéo dài so với dự tính.
Song, đến nay người đứng đầu SBT khẳng định "Thành Thành Công Biên Hoà hoàn toàn chủ động trong việc mời được nhà đầu tư chiến lược ngoại", và chắc chắn thời gian đến Công ty sẽ kêu gọi được hợp tác đầu tư quốc tế.
Về cá nhân bà My, SBT vừa thông báo đã hoàn tất mua vào 20 triệu cổ phiếu Công ty đăng ký trước đó. Kết quả, bà My đã nâng lượng sở hữu cổ phiếu SBT từ hơn 32,52 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 6,56%) lên 52,52 triệu cổ phiếu tương ứng 10,6% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành.
Trước đó SBT đã công bố nội dung các tờ trình Đại hội cổ đông bất thường dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trong số các nội dung có việc đồng ý cho bà Ức My và người có liên quan được nhận chuyển nhượng cổ phiếu công ty để nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 55% mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Thời gian nhận chuyển nhượng trong vòng 12 tháng kể từ ngày nội dung được thông qua.
Bà Đặng Huỳnh Ức My còn được biết đến với tên gọi "Công chúa mía đường". Các bên liên quan đến bà Đặng Huỳnh Ức My đang là bà Huỳnh Bích Ngọc nắm giữ 0,95% vốn cổ phần và CTCP Đầu tư Thành Thành Công nắm giữ 24,93% vốn cổ phần. Về mối liên quan, bà Đặng Huỳnh Ức My chính là chủ tịch HDDQT của Đầu tư Thành Thành Công.
Thị phần là vĩnh cửu!
Điểm qua về thực trạng ngành đường Việt Nam hiện nay, những năm gần đây toàn ngành liên tục gặp khó, từ việc giá đường thế giới đi vào chu kỳ giảm kéo dài đến hiệp định ATIGA quy định các nước ASEAN phải dành cho nhau những ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác FTA - buộc phải giảm mức thuế nhập khẩu đường về mức 5% khiến đường Việt Nam có thể mất năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi đường Thái Lan có lợi thế nhờ mức giá rẻ hơn từ 2.000-2.500 đồng/kg so với đường nước ta.
Trên góc độ vi mô, doanh nghiệp đường từ việc đối mặt với tình trạng nhập lậu thông qua đường tiểu ngạch dẫn đến nguy cơ phá sản, đến lo ngại đối với quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Riêng về SBT, mặc cho toàn ngành đường va vấp, kết thúc chu kỳ kinh doanh 2017-2018, SBT vẫn ghi nhận kết quả hết sức khả quan với doanh thu 10.364 tỷ, tăng 130% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 547 tỷ, tăng 61% so với niên độ trước đó. Kết quả tích cực này có được nhờ trong năm 2017 SBT tiến hành sáp nhập với công ty đường Biên Hòa (BHS) nâng tổng sản lượng tiêu thụ trong giai đoạn này tăng gấp đôi so với giai đoạn trước. Theo đó, SBT sẽ trực tiếp và gián tiếp sở hữu một loạt doanh nghiệp mía đường lớn khác như Đường Biên Hòa – Ninh Hòa, Mía đường Phan Rang, Mía đường Tây Ninh, Mía đường TTC Attapeu… nâng thị phần nội địa của SBT lên 40%.
Đặt kế hoạch kinh doanh niên độ mới, SBT dự tiêu thụ 846.733 tấn đường, tương ứng mức doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 11.545 tỷ và 680 tỷ đồng. Lý giải tại sao doanh thu tăng mạnh trong khi lợi nhuận tương đối chậm, đại diện SBT khẳng định "Lợi nhuận là tức thời, thị phần mới là vĩnh cửu", hiện SBT đang cố gắng thúc đẩy thị phần nên phải chi nhiều cho marketing, phát triển sản phẩm mới… nhằm đánh vào phân khúc công nghiệp, bán lẻ.
Hiện, SBT sở hữu vùng nguyên liệu với diện tích hơn 54.000 ha, chiếm 1/4 diện tích vùng nguyên liệu cả nước và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Đặc biệt Công ty dự kiến mở rộng diện tích sản xuất đường Organic tại Lào, từ đó mở rộng với năng suất lên 70 tấn/ha, tăng 21% sau 5 năm, cân bằng được sản lượng đường sản xuất từ đường thô và đường sản xuất từ cây mía.