“Các bộ, ngành địa phương khi điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cần chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, tránh điều chỉnh đồng loạt cùng một thời điểm, tạo bước đệm thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát năm 2020.” Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo về kết quả thực hiện 6 tháng qua và dự báo, kiến nghị điều hành giá những tháng còn lại năm nay, diễn ra sáng nay tại Trụ sở Chính phủ.
Báo cáo của Ban chỉ đạo cho thấy, mặt bằng giá cả thị trường trong 6 tháng qua biến động theo hướng tăng tương đối cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong hai tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6. Đối với một số hàng hóa thiết yếu, việc điều chỉnh giá điện theo tính toán làm CPI cả năm 2019 tăng khoảng 0,29%, làm giảm GDP khoảng 0,22%.
Theo đó, với mức tăng giá điện bình quân 8,36% cùng tác động của thời tiết nắng nóng làm tăng nhu cầu sử dụng điện đã tác động làm chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,33% trong tháng 3/2019, tăng 1,85% trong tháng 4/2019 và tăng 6,86% trong tháng 5/2019, tăng 1,59% trong tháng 6/2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục thực hiện theo lộ trình giá thị trường.
"Hiện nay Bộ Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện trong thời gian vừa qua. Bộ sẽ kịp thời báo cáo và họp và rút kinh nghiệm trong việc thông tin kịp thời toàn diện chi tiết hơn đến đông đảo các tầng lớp nhân dân" - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
Nhận định từ nay đến cuối năm, có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá như: biến động của giá xăng dầu thế giới, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, việc điều chỉnh lương cơ sở, yếu tố rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi… Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo 2 kịch bản lạm phát bình quân năm 2019 trong khoảng từ 3,17 – 3,41%, với kịch bản này, cho thấy CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018, do vậy các mặt hàng điều hành giá theo lộ trình còn dư địa xem xét vào quý IV/2019.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, công tác điều hành giá, đặc biệt giá các mặt hàng do nhà nước quản lý trong 6 tháng qua được thực hiện điều độ, phù hợp, kiểm soát được lạm phát kỳ vọng. Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng, công tác triển khai đấu thầu vật tư thiết bị y tế còn chậm; kênh đấu thầu thuốc tập trung còn khiêm tốn; rà soát các định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực y tế còn chậm; chưa đảm bảo cung cấp thông tin đối với một số hàng hóa, vật tư thiết yếu cho người dân.
Đề cập về vấn đề tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Tôi là người làm tài chính ngạc nhiên là đang làm Nghị định 43 về tự chủ tài chính, rồi Nghị định 85 cũng nói về tự chủ tài chính đến Nghị định 16 là khung về cơ chế tự chủ tài chính lại bỏ chữ tài chính đi, tôi thấy rất vô lý. Trong khi đó Nghị định về tự chủ đại học trung ương phân chia thành 4 đơn vị tự chủ tài chính, thì các đồng chí lại quy định 3 loại nếu làm như kiểu này không bao giờ ban hành được."
Chỉ đạo công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm, bày tỏ đồng tình với dự báo của các thành viên Ban Chỉ đạo kịch bản lạm phát ở mức từ 3,17 – 3,41%, Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là một số hàng hóa thiết yếu như thịt lợn, vật liệu xây dựng, xăng dầu. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Trong điều kiện dư địa lạm phát đang có điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện theo lộ trình giá thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin chính thống về quản lý, điều hành giá cho các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí; tăng cường công khai, minh bạch các thông tin về chỉ số đầu vào, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân.