Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex. Ảnh: I.T
Bộ Công Thương ngày 15/4 đã có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT cho ý kiến về việc gạo nếp có nằm trong lượng gạo đảm bảo dự trữ an ninh lương thực quốc gia hay không, sau đó, ngày 16/4, Bộ NNPTNT có văn bản trả lời, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp của vụ đông xuân 2019 - 2020 với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi cho rằng, đây là một động thái kịp thời của ngành chức năng để cứu các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo nếp với sản lượng đến thời điểm này lên đến 1 triệu tấn.
Các bộ ngành đều có quan điểm ủng hộ tiếp tục xuất khẩu gạo nếp, rất mong Chính phủ sớm quyết định để gỡ khó cho doanh nghiệp vì lưu hàng tại cảng ngày nào, doanh nghiệp tốn thêm chi phí ngày đó.
Cũng phải nói thêm rằng từ trước đến nay gạo nếp chưa bao giờ nằm trong danh mục dự trữ phục vụ mục tiêu an ninh lương thực mà chủ yếu phục vụ xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu năm cao nhất lên đến 1,2 triệu tấn.
Thị trường tiêu thụ gạo nếp lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, một phần còn lại xuất khẩu qua Thái Lan, Campuchia.
Nói chung, quan điểm của các bộ ngành, các địa phương đều đồng nhất tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp vì hiện tại giá đang rất tốt. Tỉnh Long An thậm chí còn từng đề nghị nên gọi mặt hàng này là "nếp" thôi, đừng gắn thêm từ "gạo" vì gạo vốn liên quan đến an ninh lương thực.
Chúng tôi cũng như doanh nghiệp khác đều mong quyết định cho xuất khẩu gạo nếp, không hạn chế số lượng sớm thành hiện thực.
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, nếu không nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu gạo thì tồn kho vụ hè thu sẽ còn tăng. Ảnh: I.T
Với riêng Tập đoàn Intimex, sản lượng xuất khẩu gạo nếp có nhiều không, thưa ông?
- Có thể khẳng định, Intimex đang là "ông trùm", là số 1 trong xuất khẩu gạo nếp trên thị trường Việt Nam hiện nay. Bởi Intimex là 1 trong 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, mà Trung Quốc lại chủ yếu tiêu thụ gạo nếp của Việt Nam.
Bình quân mỗi năm Intimex xuất khẩu vài chục nghìn tấn gạo nếp sang Trung Quốc, năm xuất khẩu nhiều nhất lên đến 100.000 tấn (chỉ tính riêng Trung Quốc).
Trở lại câu chuyện các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu gạo thông qua mở tờ khai hải quan, nhiều đơn vị đã không kịp đăng ký vì số lượng hạn ngạch 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu gạo trong tháng 4 đã hết. Theo ông, làm thế nào để giải quyết được những bức xúc này của doanh nghiệp?
- Có một thực tế từ trước đến nay bình quân một tháng chúng ta không thể xuất khẩu vượt quá con số 600.000 tấn gạo/tháng vì hệ thống kho bãi, logicstic chỉ đáp ứng được số lượng như thế. Vậy tại sao ngành chức năng không nới lỏng hạn ngạch lên con số 600.000 tấn.
Nếu nới lỏng, doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia xuất khẩu gạo.
Điều quan trọng là nếu nới lỏng hạn ngạch 600.000 tấn cũng sẽ không có chuyện doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan vượt năng lực cho phép, bởi sau 15 ngày mở tờ khai hải quan, nếu không đáp ứng đủ lượng hàng, tờ khai bị hủy thì điểm cho doanh nghiệp sẽ bị đánh xuống. Không doanh nghiệp nào mong muốn điều này.
Quan trọng hơn, nếu nới lỏng hạn ngạch lên 600.000 tấn thì hai tháng 4 và 5 cộng dồn lại sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, trong khi tồn kho vụ đông xuân hiện lên đến 3 triệu tấn. Như vậy, việc nới lỏng hạn ngạch vừa thỏa mãn được bài toán giải quyết hàng tồn kho, vừa giúp nông dân bán được hàng.
Hiện, đã có hiện tượng doanh nghiệp chán nản, dừng thu mua nên tác động đến giá lúa gạo, nhìn giá lúa của Thái Lan tăng từng ngày, trong khi gạo của mình không xuất được chẳng doanh nghiệp nào không sốt ruột.
Ngoài ra, vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tới gần, nếu không giải quyết dứt điểm lượng tồn kho của vụ đông xuân thì lượng tồn kho tiếp tục tăng lên.
Từ khi mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo ngày 12/4 đến nay, các doanh nghiệp đã thông quan được gạo xuất khẩu chưa, thưa ông?
- Chưa có doanh nghiệp nào xuất gạo đi được do mặt hàng gạo được chuyển sang luồng đỏ, nghĩa là phải kiểm soát toàn bộ để tránh gian lận thương mại nên dù tờ khai đã được mở nhưng chưa có container hàng nào đi được.
Lý do là vì gạo xếp vào luồng đỏ thì bắt buộc phải cân, nhưng hiện hải quan, cảng và doanh nghiệp không biết cân kiểu gì khi số lượng lên tới 10.000 container.
- Xin cảm ơn ông!
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Tập đoàn Intimex đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu gạo với số lượng lên đến 96.200 tấn, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, các doanh nghiệp lớn sẽ luôn hướng đến sự chuyên nghiệp và không bình luận thêm về điều này vì mọi việc đều theo quy định của pháp luật. |