Thiếu ý thức
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, không ít người trong chúng ta từng một lần xem những bộ phim hay đoạn clip trên Youtube về cảnh đánh bắt hải sản ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...
Tôi cũng từng xem và cảm phục ý thức ở người dân của họ, những mẻ lưới kéo lên từ biển khơi đầy cá, nhưng họ chỉ lựa những con lớn để bắt, còn lại thì thả chúng về lại với thiên nhiên.
Để có cá đồng ăn, người dân đã phải đặt trước người đi đánh bắt.
Những người đi câu hay đánh bắt nhỏ lẻ trên sông, kênh, rạch cũng vậy, cứ con lớn thì bắt, con nhỏ thả xuống và chỉ mang về đủ dùng, không bắt nhiều hơn. Đặc biệt đến mùa sinh sản, họ tuân thủ lệnh đánh bắt của chính quyền địa phương để bảo tồn nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên.
Nhìn lại ở mình thì trái ngược hoàn toàn, dù đã có khuyến cáo từ các ngành chức năng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên, nhưng nhiều người vẫn còn tư tưởng “đã đi đánh bắt là phải có sản phẩm mang về”.
Bắt tất cả không tha con nào, bao nhiêu cũng cảm thấy chưa vừa, thậm chí còn nghĩ ra cách để làm sao bắt được nhiều cá như chích điện, dùng thuốc nổ đánh bắt... Thử hỏi nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên có cạn kiệt?
Tôi còn nhớ con sò vặn hay còn gọi sò đá – một trong những loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ sống dưới biển sâu, vào thập niên 1990 hoặc đầu những năm 2000 chỉ vài ngàn đồng mua được cả bao vài chục kg, nhưng nay muốn mua cũng không có.
Ngoài hải đặc sản biển đang dần cạn kiệt, nguồn thủy sản tự nhiên từ môi trường nước lợ trên đầm, hồ, sông cũng đã cạn. Chính vì thế những năm gần đây Nhà nước có chính sách bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy vậy, nguồn lợi thủy sản tự nhiên nói riêng vẫn đang bị khai thác, đánh bắt quá mức.
Cá đồng hiếm có và đắt đỏ
Vốn đã cạn kiệt lại thêm xu hướng con người thích thưởng thức thủy sản tự nhiên vì thủy sản từ nuôi trồng lo ngại nhiễm hóa chất, thịt cá nhão, không thơm ngon bằng. Cho nên thủy sản tự nhiên càng trở nên hiếm, bán có giá trị cao. Chưa bao giờ 1 kg cá đồng như cá lăng lên đến hàng trăm ngàn đồng 1 kg như hiện nay nhưng lại không có để mua.
Một nông dân huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) – người đang bán cá vừa đánh bắt được cho những người quen tại thị trấn Võ Xu cho biết, ông phải mất một ngày ròng rã dầm mình dưới sông mới bắt được vài kg cá, có hôm không bắt được con nào.
Một kg cá lăng nhỏ – loại cá “nổi tiếng” nấu canh chua ngon trước kia chỉ vài chục ngàn đồng 1 kg, nay ông bán với giá từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, nếu mua ở chợ của những người mua đi bán lại giá còn cao hơn.
Để có cá đồng tươi ngon, vừa túi tiền, nhiều người vùng nông thôn như ở Đức Linh vốn quen và thích ăn cá đồng phải đặt trước những người đi đánh bắt với câu dặn dò: “Nếu có cá thì alô!”. Đó cũng là “động lực” thôi thúc người nông dân đi lùng sục đánh bắt trong lúc nhàn rỗi.
Tại các chợ, từ nông thôn đến thành thị để tìm mua thủy sản tự nhiên bây giờ cũng khó, phần lớn là bán cá nuôi và cá biển hoặc có tìm mua được cá đồng thì giá bán rất cao. Đây là hậu quả của việc đánh bắt vô tội vạ không theo quy chuẩn, và người tiêu dùng cũng góp phần khi mua cả những thủy hải sản “nhi đồng”. Nếu ngành chức năng không siết chặt hoạt động đánh bắt hay tất cả chúng ta không ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên, trong tương lai nhiều loài sẽ tuyệt chủng. |