Xem ra các doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước phải nhanh chóng cải tổ lại phương thức sản xuất, kinh doanh, để không bị “hạ đo ván” ngay trên sân nhà.
Nỗi lo mía cháy trên đồng
Vào cuối tháng 1, nắng nóng kéo dài ở tỉnh Gia Lai, cùng với tiến độ thu mua mía chậm từ các nhà máy (NM) khiến nhiều cánh đồng mía ở các huyện Kông Chro, Chư Prông, thị xã An Khê thêm phần “nóng ran”. Thời điểm này, trên địa bàn xã Ia Piơr, huyện Chư Prông xảy ra nhiều vụ cháy, làm thiệt hại 72ha của bà con nông dân, ước thiệt hại hàng tỷ đồng. Đối với những diện tích bị “giặc lửa” tấn công này, nếu thời gian tới vẫn không thu hoạch và tiêu thụ được đành phải phá bỏ, vì lượng đường trong cây mía đã giảm, để lâu sẽ bị hỏng.
Tình trạng cháy mía còn xảy ra ở các huyện Đắk Pơ, Kông Chro, Kbang… Hiện nay trên địa bàn các huyện, thị xã vùng Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai vẫn còn rất nhiều diện tích mía đang “đứng đồng” và có nguy cơ xảy ra cháy mía rất cao.
Không chỉ lo với thực trạng mía cháy khi đang vào cao điểm mùa thu hoạch mía nguyên liệu, lúc này bà con nông dân ở Gia Lai còn rầu lòng vì giá thấp. Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, giá mía trên địa bàn tỉnh chỉ được các NM đường Ayun Pa (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) và NM đường An Khê (thuộc CTCP đường Quảng Ngãi) mua với giá 700.000 – 800.000 đồng/tấn, giảm từ 150.000 – 200.000 đồng/tấn so với vụ sản xuất 2016 - 2017.
Những vựa mía lớn trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Pơ, Kông Chro, Kbang, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã An Khê, với quy mô lên đến 30.000ha, đứng đầu diện tích vùng nguyên liệu trong toàn quốc, người trồng đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.
Nông dân thu hoạch mía cháy tại Gia Lai. |
Lại “giải cứu”
Tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, bức tranh mía đường cũng không sáng sủa gì hơn so với khu vực Tây nguyên. Nhiều nông dân ở các địa phương này rơi vào cảnh chật vật vì các NM đường đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ nông dân không biết cách nào xoay trở, đã để mía chín đầy đồng, mặc cho mưa nắng tác động.
Khu vực ĐBSCL có diện tích mía lớn, lên đến hàng chục ngàn ha nhưng do đặc thù là vùng trũng thấp nên bị ngập lũ hàng năm. Phần lớn người trồng mía có diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vài năm gần đây, giá thuê nhân công tăng mạnh (công lao động chiếm hơn 60% tổng giá thành sản xuất mía, có khi lên đến 180.000 - 220.000 đồng/tấn) khiến thu nhập người dân ngày càng bị thu hẹp.
Tại vùng ĐBSCL, những ngày trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tình hình sản xuất, kinh doanh mía đường đang gặp nhiều khó khăn và bị tồn kho với số lượng lớn, lên đến gần 400.000 tấn đường, tăng hơn 100.000 tấn so với giữa tháng 12-2017. Trong số 10 NM mía đường tại ĐBSCL đến nay đã có 4 NM phải đóng cửa do sản xuất không hiệu quả. Nguyên nhân chính là sản phẩm đường không thể cạnh tranh giá bán với mặt hàng đường từ các nước khu vực ASEAN.
Một điều thấy rất rõ hiện nay là đường Thái Lan vào Việt Nam chỉ 11.000 đồng/kg, trong khi đường trong nước giá tới 12.500 đồng/kg. Đây cũng chính là lý do khiến đường nhập lậu từ Thái Lan liên tục xâm nhập vào Việt Nam. Thực trạng này đã tác động rất lớn đến CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco). Hiện DN này đang tồn khoảng 30.000 tấn đường trong kho. Triển khai cuộc “giải cứu” cho Casuco, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy mua ủng hộ 20kg đường/người, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 10kg/người, cán bộ, công chức 5kg/người. Kế hoạch này sẽ được triển khai ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
Đến lúc này ngành mía đường phải cạnh tranh với thế giới chứ không thể cứ xin bảo hộ, bao cấp mãi. Càng bảo hộ lâu người tiêu dùng, các DN chế biến thực phẩm càng chịu thiệt vì tiếp tục phải mua đường với giá cao, trong khi chỉ làm lợi cho các NM đường. Nói như ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bất cứ một DN nào, để phát triển tốt, cạnh tranh được đều phải dựa vào quy luật thị trường và những thể chế chung của Nhà nước. Một nền kinh tế phải dựa vào các phương án “giải cứu” thì không thể nào tốt được. Bản thân DN đừng trông cậy vào những giải pháp này. Hãy tự mình tạo ra năng lực cạnh tranh.
Tìm lại vị ngọt cho ngành mía đường
Đúng là tương lai ngành mía đường Việt Nam được nhận định còn nhiều khó khăn, nhưng thực tế hiện tại một số DN mía đường vẫn đang làm ăn ổn định. Đơn cử như các NM đường thuộc CTCP đường Quảng Ngãi, trong năm 2016 NM đường An Khê lãi ròng 165 tỷ đồng, NM đường Phổ Phong lãi gần 50 tỷ đồng. Đây là những NM có công nghệ sản xuất, công tác quản trị tốt.
Hay như vừa qua Vinamilk đã đầu tư vào CTCP Đường Việt Nam (Vietsugar) tại tỉnh Khánh Hòa, với mong muốn mang lại hướng đi mới cho ngành mía đường Việt Nam, chủ động hội nhập vào sân chơi khu vực và toàn cầu. Trong khi đó, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công, cho biết CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đã hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy việc ứng dụng giải pháp công nghệ vào trong quá trình sản xuất.
Vì thế, bên cạnh sản xuất, kinh doanh đường trong nước, SBT còn xuất khẩu đường sang Trung Quốc, Indonesia… Như vậy có thể thấy, nếu chịu thay đổi và chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, tương lai ngành mía đường Việt Nam vẫn tươi tắn, chứ không phải bít lối đi.
Trong bối cảnh ngành mía đường nước ta đang có những thách thức nhất định, vấn đề cần thay đổi ngay bây giờ chính là phải kéo giá nguyên liệu xuống, bởi đây là khâu quan trọng nhất khiến giá thành đường trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh. Để làm được việc này, không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn, cỡ 100ha, thậm chí lên đến vài ngàn ha để cơ giới hóa. Hơn thế nữa, việc dỡ bỏ ATIGA (thuế xuất nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN) phải tiến hành từng bước để nông dân không bị sốc.