Nhà đầu tư “quay xe”
Trong 2 năm, trải qua liên tiếp 4 đợt dịch bệnh Covid - 19 đã khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng kém sôi động hơn trước. Nhiều nhà đầu tư đang ôm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực này từ lúc đỉnh, cũng đã phải đau đầu tìm cách thoát hàng, thậm chí cắt lỗ trong một thời gian dài nhưng thị trường chưa được nhà đầu tư quan tâm.
Tuy nhiên, đến nay khi du lịch có những tín hiệu khởi sắc trở lại sau thời gian dài bị kìm chân. Nhận thấy tiềm năng bất động sản sẽ bật lên sau khi du lịch được mở cửa rộng, nhà đầu tư đang “ôm hàng” quyết tâm giữ chặt.
Anh Chu Văn, môi giới bất động sản cho biết, từ giữa tháng 3 đến nay, nhiều chủ sở hữu đã dừng ký gửi rao bán căn hộ condotel. Đáng chú ý, nhiều căn được rao bán gấp, bán cắt lỗ đến 700 triệu đồng trước đó cũng được rút lại.
"Từ đầu năm đến cuối tháng 2, tổng cộng có 18 căn condotel ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được ký gửi chúng tôi bán. Trong đó, 80% là bán cắt lỗ từ 500-700 triệu đồng/căn. Đến giữa tháng 3, chủ sở hữu dần lại rút không bán nữa, chỉ còn 4 căn nhờ tiếp tục bán nhưng giảm khoảng 50 - 60 triệu đồng/căn", môi giới này nói.
Anh Thành, một môi giới khác chia sẻ việc nhiều chủ sở hữu đang rút lại không tiếp tục bán cắt lỗ condotel là thật, anh và nhiều đồng nghiệp không bất ngờ vì điều đó. Lý do là thành phố đang và sắp đón khách quốc tế dồi dào thời gian tới, việc cho thuê căn hộ dự báo sẽ tốt trở lại như thời điểm trước dịch.
"Nhóm tôi trước đó nhận bán 15 căn condotel ở ven biển quận Sơn Trà nhưng tình hình rất ế ẩm. Thời gian qua, du lịch nội địa tốt dần lên, thành phố cũng đón khách quốc tế đến trở lại nên chủ sở hữu cũng dần báo rút lại không bán. Hiện các căn hộ đang cho thuê rất tốt.
Đến đầu tháng 4 này, nhóm tôi chỉ còn nhận bán hai căn hộ, chủ sở hữu cũng không giảm giá mạnh để cắt lỗ nữa", anh Thành cho biết.
Một số môi giới khác, được xác nhận việc nhiều chủ sở hữu đã và đang rút lại việc bán căn hộ condotel. Một số tiếp tục gửi môi giới và các sàn rao bán cũng không còn giảm giá, cắt lỗ sâu.
Theo chị Nguyễn Thảo - nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, trước thời điểm dịch bùng phát chị có mua một căn hộ condotel với giá 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, không may mắn cho chị khi giao dịch hoàn tất thì dịch bệnh bùng phát khiên du lịch bị “đóng băng”. Theo đó, condotel của chị “cửa đóng then cài” suốt khoảng thời gian dài.
“Đến giữa năm 2021, tôi nhờ môi giới rao bán cắt lỗ 400 triệu đồng, nhưng chật vật suốt thời gian dài vẫn không tìm được khách mua. Môi giới khuyên tôi nếu muốn bán nhanh phải giảm giá tiếp. Thấy lỗ quá nên tôi đành rút lại không bán nữa”, chị Thảo nói.
Theo nhà đầu tư này, hiện du lịch đã được mở cửa hết công suất, căn hộ của chị cũng đã cho khách thuê được, do đó chị sẽ giữ lại cho thuê bù lại khoảng thời trước trầm lắng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang trông chờ Luật Đất đai được sửa, hợp thức hóa loại hình bất động sản mới này, khi đó có thể sẽ xảy ra “cơn sốt” bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Giá cho thuê tăng
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam, tính đến quý I, tổng nguồn cung khách sạn 4 - 5 sao tại Đà Nẵng là 11.000 phòng, không thay đổi trong hai năm qua. Trong ba năm tiếp theo, khoảng 4.000 phòng trên 19 khách sạn tư nhân sẽ được mở ra khắp thành phố.
Giá thuê phòng trung bình đạt 70 USD/phòng mỗi đêm (tương đương 1,6 triệu đồng), tăng 3% theo quý và tăng 20% theo năm. Công suất phòng khách sạn đạt 30%, tăng lần lượt 10,2% và 3,2% theo quý và theo năm, được thúc đẩy bởi sự hồi phục của du lịch nội địa vào dịp Tết Nguyên Đán hồi đầu tháng 2.
Đà Nẵng và Quảng Nam đã tham gia cùng với tỉnh Thừa Thiên - Huế trong chương trình "Ba địa phương, một điểm đến" để quảng bá các sản phẩm du lịch tự nhiên và di sản văn hoá lịch sử của miền Trung.
"Giống như TP HCM và Hà Nội, những năm gần đây, Đà Nẵng đã có những cải thiện đáng kể về tăng trưởng kinh tế, chủ yếu là do sản xuất công nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng TP Đà Nẵng với danh tiếng về lực lượng lao động có trình độ công nghệ cao sẽ là thung lũng Silicon mới của Việt Nam", các chuyên gia từ Cushman & Wakefield nhận định.
Cùng đó, các đường bay quốc tế hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/3, đi kèm chương trình "Hộ chiếu vaccine". Quyết định mở cửa du lịch toàn quốc sẽ thu hút lượng lớn du khách nước ngoài quay trở lại Việt Nam, góp phần khuấy động các hoạt động du lịch của quốc gia.
Chính sách mở cửa đi lại giữa Việt Nam và các nước khác cũng sẽ làm thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn, không chỉ ở phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng mà còn ở phân khúc căn hộ dịch vụ.
Nghiên cứu của Savills chỉ ra rằng các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc là khách thuê chính tại các căn hộ dịch vụ hạng A, với 79% thị phần trong nửa đầu 2021 và tăng lên 84% trong hai quý còn lại.
Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ chảy vào Việt Nam trong năm qua phần nào khẳng định số lượng lớn các chuyên gia quốc tế đang và sẽ làm việc tại quốc gia. Một khi đường bay quốc tế được nối lại hoạt động, họ sẽ đến nước ta để công tác dài hạn, góp phần đưa phân khúc căn hộ dịch vụ quay trở lại đà tăng trưởng như trước.
Theo Khảo Sát Người Mua Toàn Cầu năm 2021, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chất lượng không khí, và không gian xanh là những tiêu chí hàng đầu để người dân lựa chọn nơi sinh sống. Bởi vậy, Savills dự đoán những căn hộ dịch vụ thương hiệu sẽ có lợi thế lớn khi sở hữu những chương trình hợp tác với các tổ chức y tế để đảm bảo an toàn và nâng cao sức khỏe của cư dân tại dự án.
Với nguồn cầu sẵn từ trong nước và quốc tế, triển vọng của bất động sản nghỉ dưỡng và căn hộ dịch vụ sẽ còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ cùng diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.