Dịch bệnh không phải tác nhân duy nhất khiến nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc chết đứng. Đằng sau đó là sự thảm bại của những startup liều lĩnh, vội vàng.
Ông Tang Yongbo, CEO của Xiaodian tại Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), không bỏ lỡ cơ hội khi làn sóng kinh tế chia sẻ bùng lên ở đất nước tỷ dân. Công ty của ông Tang cung cấp dịch vụ chia sẻ sạc điện thoại cho khách hàng tại các nhà hàng và cửa hiệu.
Nhưng giờ Xiaodan đã “cạn pin” vì dịch Covid-19. “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào các nhà hàng và cửa hiệu. Một số lượng lớn nhà hàng không thể mở cửa. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của chúng tôi”, ông Tang Yongbo than thở.
Ông Tang thừa nhận công ty đang chịu áp lực lớn vì doanh thu sụt giảm, chi phí gia tăng và các vấn đề về văn phòng ở một số thành phố vì đại dịch.
Nền kinh tế chia sẻ từng được coi là động lực phát triển của Trung Quốc trong những năm gần đây giờ bộc lộ điểm yếu. Dịch Covid-19 và suy yếu kinh tế toàn cầu là đòn kép giáng vào nền kinh tế vốn dễ lung lay này.
"Tại sao phải mua khi có thể thuê"
Nền kinh tế chia sẻ sử dụng công nghệ thông tin như một bên trung gian để kết nối cung và cầu. Theo đó, các nền tảng kỹ thuật số sẽ được sử dụng với mục đích chia sẻ và tái sử dụng năng lực dư thừa trong nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau.
Chẳng hạn, dịch vụ chia sẻ ôtô cho phép thuê ôtô theo phút hoặc giờ. Mỗi người dùng chỉ cần tải ứng dụng của dịch vụ để xác định những nơi có xe cho thuê, sau đó đặt trước vị trí và thời gian sử dụng xe.
Hai mô hình chia sẻ xe phổ biến gồm peer-to-peer (chia sẻ ngang hàng), mô hình cho phép người thuê xe và chủ xe kết nối với nhau thông qua một trang web trung gian, hoặc trực tiếp thuê xe từ công ty cho thuê.
“Đối với nhiều người trẻ Trung Quốc, sở hữu nhà hay xe không còn là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống hàng ngày nữa. Tại sao bạn phải mua khi có thể thuê chúng”, tờ South China Morning Post bình luận.Hai mô hình chia sẻ xe phổ biến gồm peer-to-peer (chia sẻ ngang hàng), mô hình cho phép người thuê xe và chủ xe kết nối với nhau thông qua một trang web trung gian, hoặc trực tiếp thuê xe từ công ty cho thuê.
Làn sóng chia sẻ không chỉ dừng lại ở nhà và xe hơi. Các startup tìm kiếm mọi thứ có thể chia sẻ để khai thác, từ chia sẻ quầy trang điểm, buồng hát karaoke cho đến ô và sạc điện thoại. Chỉ cần quét mã QR, người dùng có thể sử dụng bộ sạc, ghế massage, xe đạp, quầy trang điểm tại các nhà hàng, trung tâm thương mại và ga tàu điện ngầm.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc, tổng giá trị giao dịch thị trường của nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc năm 2019 đạt 3.280 tỷ NDT (tương đương 473 tỷ USD). Ước tính khoảng 6,23 triệu việc làm và 800 triệu người Trung Quốc có liên quan đến các lĩnh vực của nền kinh tế chia sẻ.
“Ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp đã truyền cảm hứng cho tôi. Nó khiến người dùng tin rằng bất cứ thứ gì trên đường phố đều có thể dùng chung. Và tôi đã làm điều tương tự với ô”, ông Zhao Shuiping, nhà sáng lập công ty chia sẻ ô Sharing E Umbrella, nói với hãng tin Trung Quốc Paper.
Thế nhưng, sau khi ra mắt với khoản đầu tư 10 triệu NDT (1,4 triệu USD), công ty chia sẻ ô của ông Zhao gặp rắc rối tài chính nghiêm trọng. Hầu hết khách hàng không trả lại ô chia sẻ. Mỗi chiếc ô có giá khoảng 9 USD, tức 300.000 chiếc bị đánh cắp sẽ gây thiệt hại đến 2,7 triệu USD.
Dễ lung lay
Mô hình kinh tế chia sẻ thực chất dựa trên ý tưởng ban đầu tốt. Đó là tối ưu hóa việc sử dụng, phân bổ các nguồn lực nhàn rỗi và mang lại sự thuận tiện cho người dùng. Về phía khách hàng, họ dễ dàng chuyển sang các dịch vụ chia sẻ bởi tính tiện lợi và chi phí thấp.
Tuy nhiên, nền kinh tế chia sẻ tích hợp trực tuyến và ngoại tuyến cần đến sự tương tác và chia sẻ của số lượng lớn người dùng và tài sản chung, theo giáo sư Wang Jianming tại Zhejiang University of Finance and Economics. Chính điều này đã tạo nên những lỗ hổng của các nền tảng kinh tế chia sẻ.
Công ty chia sẻ ô Sharing E Umbrella phụ thuộc vào thời tiết thất thường và gặp vấn đề với những người dùng không trả lại ô. Công ty chia sẻ xe đạp Wukong Bike của Trung Quốc sụp đổ sau khi 90% xe đạp bị đánh cắp, theo Financial Times.
Nhà sáng lập 3Vbike có trụ sở tại Bắc Kinh thừa nhận công ty chỉ còn vài chục chiếc xe đạp sau 4 tháng kinh doanh. Hãng bắt đầu với 1.000 chiếc xe đạp.
Đối với ngành công nghiệp chia sẻ ôtô, hàng nghìn chiếc ôtô điện thuộc về công ty Microcity, công ty hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực chia sẻ xe hơi, không được sử dụng. Chúng đỗ dọc theo con sông ở ngoại ô Hàng Châu. Trên Zihu, nhiều người dùng phàn nàn về trải nghiệm tồi tệ của mình với dịch vụ chia sẻ ôtô điện.
Các dịch vụ chia sẻ sạc điện thoại, ghế massage, quầy trang điểm và buồng hát karaoke chết đứng sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Không miễn nhiễm với tác động của dịch bệnh, dữ liệu của QuestMobile cho thấy số người dùng hàng ngày của gã khổng lồ gọi xe Didi Chuxing trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 giảm 59,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5,73 triệu người.
Trong cùng khoảng thời gian này, doanh số dịch vụ gọi xe ôtô cũng giảm đến 580 triệu NDT (82 triệu USD) mỗi ngày. Số lượng đặt phòng trên nền tảng Airbnb của Trung Quốc vào tháng 2 và tháng 3 sụt giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bloomberg. Trong khi đó, nền tảng chia sẻ chỗ ở trực tuyến Tujia phải sa thải 800 người, tức 40% tổng số nhân viên, theo The Beijing News.
Giờ, dịch bệnh có khả năng thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng của khách hàng. Tờ South China Morning Post dự đoán người dùng sẽ chuyển từ những sản phẩm, dịch vụ tiện lợi và chi phí thấp sang những sản phẩm, dịch vụ đảm bảo an toàn và vệ sinh.
“Sau khi trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế, người dùng sẽ cảnh giác với những mặt hàng từng được người khác sử dụng. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chia sẻ”, chuyên gia Zhang Yi thuộc hãng nghiên cứu iiMedia Research (Bắc Kinh), nhận định.
Trên thực tế, nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc vốn đã dễ lung lay và dịch bệnh không phải tác nhân duy nhất. Chẳng hạn hồi năm 2019, chính phủ Trung Quốc tuyên bố cắt giảm trợ cấp và thắt chặt quy định đối với các doanh nghiệp chia sẻ ôtô, khiến lượng lớn công ty bị loại khỏi cuộc chơi.
Trong năm 2019, đầu tư sụt giảm 52,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Báo cáo Phát triển Kinh tế Chia sẻ năm 2020. Nguyên nhân là giới đầu tư xem xét kỹ lưỡng hơn về tính bền vĩnh của các mô hình kinh doanh khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu.
Tận dụng làn sóng bằng mọi giá
Ngoài tính dễ tổn thương của nền kinh tế chia sẻ, thực tế cho thấy nhiều công ty thuộc nền kinh tế chia sẻ thảm bại vì bỏ qua những nguyên tắc kinh doanh sơ đẳng. Họ nôn nóng tận dụng làn sóng mới, tìm cách mở rộng thị phần và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm bằng mọi giá.
Chỉ sau một đêm, các startup không tên tuổi được định giá cao ngất ngưỡng bất chấp những khoản lỗ kỷ lục. Một số startup chia sẻ ôtô như Ezzy và Uu tuyên bố phá sản sau khi chi bộn tiền cho các chính sách khuyến mãi để lôi kéo khách hàng. Startup chia sẻ xe đạp Ofo từng đạt giá trị vốn hóa thị trường 2 tỷ USD giờ trượt tới bờ vực phá sản.
“Uber của Trung Quốc” Didi Chuxing vật vã duy trì dịch vụ đi chung sau một số vụ tài xế sát hại hành khách gây chấn động. Startup này từng kêu gọi được hơn 10 tỷ USD từ Tập đoàn Nhật Bản SoftBank. Tuy nhiên chỉ sau 2 năm, hãng gọi xe Trung Quốc đã đánh mất niềm tin từ giới đầu tư.
Hồi tháng 1, cổ phiếu Didi giao dịch nội bộ với mức giá thấp hơn 40% so với thời điểm định giá đỉnh cao. Lượng hành khách giảm mạnh sau khi dịch lan rộng ở Trung Quốc và Didi cắt giảm trợ cấp dành cho tài xế.
Sự thất bại của các startup chia sẻ không phải vấn đề của riêng quốc gia tỷ dân. Tại Mỹ, kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của công ty chia sẻ văn phòng WeWork từng được định giá 47 tỷ USD sụp đổ. Cổ phiếu của hãng gọi xe Uber và Lyft cũng sụt giá thảm hại sau IPO. Airbnb đối mặt với cuộc khủng hoảng về sự an toàn và giờ hứng đòn từ dịch Covid-19.
“Sự đánh giá trong đầu tư của tôi quá tệ hại”, tỷ phú Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm CEO SoftBank, người chống lưng cho WeWork, Uber và Didi Chuxing, thừa nhận sau thất bại của những vụ cá cược vào các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Tỷ phú Son từng gây ngạc nhiên khi rót tới 300 triệu USD vào Wag, một startup dắt chó đi dạo. Họ tạo một ứng dụng kết nối người nuôi chó với người chuyên dắt chó thuê và đứng giữa ăn hoa hồng. Dĩ nhiên, mô hình dắt chó rầm rộ của Wag không thể phát triển lâu dài.
Hồi cuối tháng 12 năm ngoái, SoftBank tuyên bố rút khỏi hội đồng quản trị và bán lại cổ phần Wag cho công ty này. Công ty dắt chó thuê cũng phải sa thải hàng loạt nhân viên để duy trì hoạt động kinh doanh, theo CNN.
Theo tạp chí Tài Kinh, bong bóng kinh tế chia sẻ vỡ buộc Phố Wall và các nhà đầu tư dè chừng, nhiều công ty khởi nghiệp phải thay đổi chiến lược tăng trưởng, trong khi chính phủ các nước bắt đầu xem xét điều chỉnh khu vực kinh tế mới nổi này.
Theo Báo cáo Phát triển Kinh tế Chia sẻ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế dự kiến giảm từ 41,6% năm 2018 và 11,6% năm 2019 xuống còn 8-10% năm 2020.
"Doanh thu của chúng tôi bằng 0. Nhưng tôi vẫn phải trả lương cho 5.000 công nhân, trả tiền nhà cung cấp và tiền thuê nhà", ông Tang, CEO của Xiaodian, than thở.
Khoảng 3 năm trước, công ty chia sẻ sạc điện thoại được gã khổng lồ Tencent chống lưng được đặt kỳ vọng cao sau khi mở rộng đến 33 thành phố chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng có mặt trên thị trường. "Chúng tôi chắc chắn sẽ mở rộng ra 144 thành phố chỉ trong vòng 1 tháng tới", ông Tang từng tự tin tuyên bố với South China Morning Post hồi năm 2017.
(Theo Zing)