FDI trong tháng 5 đã đạt mức tăng kỷ lục gần 17 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã có sự tăng ngoạn mục, lên đến 450%. Điều này được cho là có phần nguyên nhân từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Nhưng cũng trong tháng 5, bên cạnh những tin tích cực về đầu tư nước ngoài gia tăng, Việt Nam cũng đón nhận một thông tin không mấy vui vẻ khi Pegatron, hãng lắp ráp cho Apple đã quyết định rót 300 triệu USD vào Indonesia để tránh xung đột thương mại, thay vì kế hoạch chọn Việt Nam như ban đầu. Lý do đưa ra là vì nguồn nhân lực tại Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu.
Các doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc sang một nước khác đã trở thành một xu hướng mà chiến tranh thương mại là một phần lý do. Giá nhân công nước này, vốn là một trong những nhân tố quan trọng giúp nơi đây trở thành công xưởng thế giới đã không còn rẻ. Mặt khác, chính quyền Trung Quốc cũng đang trong chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế: loại bỏ chuỗi sản xuất lạc hậu, ô nhiễm môi trường, sử dụng ít lao động hơn.
Tổng hoà những yếu tố này khiến cho một làn sóng di cư doanh nghiệp từ Trung Quốc là có thật. Sự di cư này có phân bổ thành từ Trung Quốc ra đi và đang có xu hướng đầu tư vào Trung Quốc nay chọn quốc gia khác.
"Chiến tranh thương mại là cơ hội thực sự cho những nước ngoài Trung Quốc", ông Đức Thành nói. Các nước Đông Nam Á đã thịnh vượng bắt đầu từ thập niên 1980 khi doanh nghiệp từ Nhật Bản ồ ạt chuyển đến do căng thẳng thương mại giữa nước này và Mỹ. Sự thịnh vượng này kéo dài trong 20 – 30 năm.
Câu chuyện của Trung Quốc ngày nay cũng tương tự như vậy. Câu hỏi được đặt ra là Việt Nam, với vai trò "cây cầu" nối trực tiếp giữa Đông Nam Á và Trung Quốc có được vị trí này hay không?
"Tôi e là không lạc quan lắm", ông Thành nhận xét và chia sẻ thông tin từ cựu Đại sứ Nhật Bản rằng có 20.000 doanh nghiệp nước này ở đại lục đang loay hoay tìm hướng đi.
FDI vào Việt Nam, theo ông Thành, dù có xu thế tăng mạnh do tác động của chiến tranh thương mại nhưng đang có sự phân luồng đầu tư.
Đối với những doanh nghiệp, chuỗi sản xuất có công nghệ phát triển như Mỹ, Nhật, họ thường tính toán rất kỹ trước khi quyết định rót vốn. "Là Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia... phụ thuộc nhiều vào môi trường thể chế cũng như tiềm năng lao động", ông nhận định.
Điều này hàm nghĩa Việt Nam không phải là sự lựa chọn số 1. Malaysia, Indonesia, Thái Lan... là những quốc gia có cơ sở hạ tầng tốt đối với họ từ quá khứ. Mặt khác, những nước như Ấn Độ lại nổi lên nhờ việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ song song bên cạnh tiếng bản địa cũng như lực lượng lao động khổng lồ. Do vậy, Việt Nam cũng chỉ là một trong số những ứng cử viên, thậm chí, còn có phần ít nhỉnh hơn mà sự kiện với Pegatron là minh chứng.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc đang có sự nhìn nhận là tương đồng Việt Nam ở nhiều mặt, theo ông Đức Thành. Điều này dẫn đến khuynh hướng đổ dồn sang Việt Nam khiến hiện tượng dòng FDI từ nước này chiếm thế thượng phong.
Nhưng rút cục, việc đạt được cái gì lại là câu chuyện của chính người Việt, ông Thành nhận định. Việt Nam có thể tác động được đến sự lựa chọn của các nhà đầu tư có công nghệ, có tiềm lực bằng cách hoàn thiện bản thân thông qua hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, đồng thời có thể kiểm soát các nhà đầu tư kém chất lượng, không phân biệt đến từ quốc gia nào, bằng việc nâng cao chuẩn chọn lựa. Bởi thực tế sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có vị thế khác và yếu tố vốn không còn là thứ quan trọng nhất.