Những chiếc ốp lưng 20.000 đồng
Một vị khách bước vào cửa hàng FPT Shop nằm trên đường Nguyễn Trãi, Tp. Hà Nội. Ngay cửa kính, đập vào trước mắt anh là tấm banner cỡ A4 quảng cáo về phụ kiện ốp lưng giá thu cũ đổi mới chỉ 20.000 đồng. Không chỉ gia tăng nhận diện tại các cửa hàng offline, fanpage của chuỗi bán lẻ này cũng liên tục cập nhật thông tin khuyến mãi về phụ kiện điện thoại. Thậm chí FPT Shop còn đưa ra chính sách "kì lạ" như dùng thử 15 ngày với các sản phẩm phụ kiện điện thoại.
Không phải ngẫu nhiên mà FPT Retail - đơn vị sở hữu chuỗi FPT Shop đẩy mạnh mảng kinh doanh phụ kiện. Báo cáo của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây nhấn mạnh bài toán tăng trưởng lợi nhuận 20% năm 2019 của FPT Retail chủ yếu dựa vào mảng phụ kiện điện thoại di động, trong bối cảnh thị trường di động dần bão hòa và bù lỗ cho hoạt động của chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Theo đó với doanh thu 598 tỷ đồng năm 2018, lợi nhuận ròng của mảng này mang lại là 230 tỷ đồng. FPT Retail cũng đặt kế hoạch doanh thu của mảng này năm 2019 là 1.000 tỷ đồng, tăng 67% so với năm ngoái và lợi nhuận ròng là 483 tỷ đồng (tăng 110%). Như vậy, kế hoạch lợi nhuận của mảng này là tương đương với 115% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 của công ty.
BVSC cho biết FPT Retail gần đây đã có thể trực tiếp nhập hàng phụ kiện từ các nhà phân phối Trung Quốc. Từ đó công ty có những lợi thế cạnh tranh như đa dạng hóa danh mục sản phẩm, cung cấp cho khách hàng ở mức giá cạnh tranh hơn trước, cũng như so với các nhà bán lẻ khác (hạ giá bán trung bình hiện tại xuống khoảng 20% so với năm 2018). Ngoài ra biên gộp kỳ vọng tiếp tục cải thiện thêm 10% năm 2019 lên mức khoảng 50%.
Ngoài ra việc tăng doanh thu của mảng phụ kiện điện thoại di động sẽ hỗ trợ tăng trưởng tương quan với lưu lượng khách hàng vào các cửa hàng. Ngoài ra để lôi kéo khách hàng, công ty này cũng có những cách khác như chú trọng hơn mảng các dịch vụ tạo thêm giá trị như bán sim, thẻ cào điện thoại, thanh toán hóa đơn, điện nước song song với huấn luyện nhân viên thêm các kỹ năng bán hàng.
Áp lực doanh thu khi thị trường smartphone bão hòa
"Tất nhiên, không thể có chuyện mô hình kinh doanh nào đó có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng mãi được, sau vài năm nữa, thị trường cũng sẽ bão hòa nếu như không có một công nghệ gì mới đột phá, giống như iPhone đã làm được cách đây nhiều năm, với cuộc cách mạng chuyển từ nút bấm cơ học sang công nghệ màn hình cảm ứng.
Tức là, nếu ngành smartphone không tạo ra thêm bất cứ công nghệ gì quá khác biệt thì người tiêu dùng sẽ không có nhu cầu đổi máy nhiều nữa", trong buổi họp đại hội cổ đông mới đây, CEO Nguyễn Bạch Điệp thừa nhận về tương lai gần thị trường smartphone bão hòa.
Không riêng bà Điệp, mới đây ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động cũng có nhận định tương tự khi 2019 là năm đầu tiên dự báo tăng trưởng của điện thoại thấp.
Để gia tăng doanh thu từ mảng công nghệ, FPT Retail tung ra một loạt chiến lược mới ở kênh offline như tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng trên toàn quốc, dự kiến thêm 100 cửa hàng nâng tổng số cửa hàng lên 633 năm 2019. Một phương thức khác là tiếp tục khai thác hai chương trình bán hàng F-Friend và Subsidy.
FPT Retail cũng cho biết sẽ gia tăng kết hợp với các hãng để khai thác triệt để hơn nhu cầu lên đời sản phẩm (đổi cũ lấy mới). Hay gia tăng tỉ trọng bán hàng trả góp lên mức cao hơn so với mức 32% tổng doanh thu năm 2018, so với mức 50% tổng doanh thu của các công ty cùng ngành, theo đó Công ty tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty tài chính và ngân hàng trong thời gian tới (hiện tại đang có 21 đối tác),cũng như huấn luyện nhân viên để tăng doanh thu.
Không chỉ gia tăng kênh offline, áp lực doanh thu công nghệ cũng được đặt lên kênh online với mục tiêu tăng 40% năm 2019. Để đạt được điều này, FPT Retail chọn cách hợp tác với các hãng điện thoại chuyên kinh doanh online của Trung Quốc như Xiaomi, Honor (Huawei), Realme để đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thích ứng với phương thức bán hàng online. Hay kết hợp với một số sàn thương mại điện tử khác để tận dụng nguồn tài trợ khuyến mãi và lưu lượng người sử dụng lớn có sẵn của các kênh này.
Đặt cược vào dược phẩm
"Hết năm nay, FPT Retail cũng sẽ không mở thêm FPT Shop nữa mà tập trung vào ngành hàng dược phẩm", CEO Bạch Điệp khẳng định.
Bà Điệp còn cho biết cách đây vài năm, khi đi tìm ngành hàng mới để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, FPT Retail nhận thấy ngành dược phẩm khá tiềm năng khi thị trường trị giá tới 4,5 tỷ USD - tương đương với ngành hàng smartphone và vẫn chưa xuất hiện doanh nghiệp dẫn dắt thị trường.
Sau đó, FPT Retail đã chọn Long Châu trong số rất nhiều chuỗi cửa hàng thuốc khác đã đến đánh tiếng, bởi doanh số ấn tượng mà mỗi cửa hàng Long Châu mang về trên dưới 3 tỷ đồng/tháng, trong khi nhiều cửa hàng của chuỗi khác chỉ vào khoảng từ 200 triệu đồng đến 600 triệu đồng.
BVSC cũng nhận định tham vọng mở rộng chuỗi nhà thuốc, phát triển là mảng kinh doanh chủ lực và là tiềm năng của FPT Retail trong những năm tới. Công ty dự kiến mở thêm 50 cửa hàng trong năm 2019 nâng tổng số cửa hàng lên 72. Trong các năm tiếp theo, FRT dự kiến mở thêm 100-200 cửa hàng/ năm, đạt 700 cửa hàng vào năm 2022.
Theo đó, công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu chuỗi dược phẩm giai đoạn 2019-2022 với tốc độ tăng trưởng kép 135%/ năm. Về lợi nhuận, 2019 dự kiến vẫn sẽ ghi nhận lỗ khoảng 20 tỷ đồng và dự kiến 2020 sẽ hòa vốn. Dựa vào kinh nghiệm mở chuỗi và hoạt động tốt hơn, FPT Retail dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận 62 tỷ đồng năm 2021 và 193 tỷ đồng năm 2022.
"Cũng chưa biết, nhưng tôi thấy cho tới thời điểm này mọi chuyện vẫn đang ổn", bà Điệp chia sẻ về khả năng chiến thắng của Long Châu.
"Canh bạc" được phẩm của FPT Retail cần thời gian để phân định nhưng hiện tại cơ hội tăng trưởng của FRT đang trông chờ từ những trụ đỡ tưởng chừng không quan trọng như ốp lưng hay miếng dán màn hình.