Thời gian gần đây, khi chính thức thay đổi biểu phí dịch vụ của mình, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã nhận được nhiều phản ứng mạnh mẽ từ phía khách hàng. Điều này không lạ khi những thay đổi trực tiếp tác động đến “túi tiền” người dùng trong khi Vietcombank là một ông lớn ngân hàng với số lượng khách hàng “khủng”, hoạt động thẻ thuộc top dẫn đầu thị trường.
Không chỉ nêu quan điểm, một số khách hàng, đặc biệt là các chủ shop online cho biết sẽ xem xét chuyển sang hoặc sử dụng thêm dịch vụ của các ngân hàng khác hiện vẫn đang áp dụng mức phí 0 đồng. Tận dụng thời điểm này, fanpage trên mạng xã hội của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã nhắc lại chương trình “Zero fee” của nhà băng này, trong đó miễn toàn bộ phí đối với các giao dịch eBanking trên ngân hàng điện tử như phí SMS chủ động giảm từ 6.000-8.000 đồng/ tháng, chuyển tiền liên ngân hàng từ tối thiểu 12.000 về mức 0.
Thực tế, chương trình này đã được Techcombank áp dụng từ cuối quý III/2016. Những tưởng nhà băng này sẽ “thiệt thòi” nhiều khi bỏ qua hoàn toàn các khoản phí thu nhưng thực tế các con số tài chính lại nói nên những điều rất khác.
Các khoản phí giao dịch được các ngân hàng ghi nhận vào thu nhập từ dịch vụ thanh toán, một trong các cấu phần đóng góp lớn vào thu nhập hoạt động dịch vụ của các nhà băng. Khoản thu hoạt động dịch vụ thanh toán và tiền mặt của Techcombank thực tế trong 6 quý vừa qua vẫn duy trì quanh khoảng 300 – 400 tỷ đồng. Khoản mục này không ghi nhận sự giảm đột biến nào sau khi chương trình "Zero fee" được áp dụng.
Thu dịch vụ thanh toán không biến động mạnh sau khi Techcombank áp dụng chương trình Zero fee
Tính riêng trong năm 2017, tổng thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt của Techcombank đạt 1.465 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi chi phí, lãi thuần từ hoạt động này xấp xỉ 1.188 tỷ đồng, nhích nhẹ so với kết quả năm trước.
Điều này có thể xuất phát từ việc quy mô khách hàng thời điểm áp dụng vẫn chưa quá lớn để khoản thu dịch vụ thanh toán từ nhóm khách hàng cá nhân đóng góp tỷ trọng đáng kể trong ngân hàng này. Nguồn thu từ hoạt động thanh toán đối với các nhà băng lại có sự đóng góp khá lớn từ nhóm khách hàng doanh nghiệp như hoạt động bao thanh toán, tài trợ thương mại…
Khoản thu phí thông thường sẽ là nguồn đóng góp giúp các ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng như mở rộng mạng lưới ATM, đầu tư công nghệ thẻ... Tuy nhiên, một lợi thế mà Techcombank hơn nhiều ngân hàng khác là chính sách giữ lại cổ tức của cổ đông đã thực hiện suốt 7 năm qua, trong khi nhiều ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng có vốn nhà nước luôn phải chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng, Techcombank hướng tới trở thành ngân hàng đầu tư cho công nghệ nhiều nhất từ 3 đến 5 năm tới, ngang hàng hoặc cao hơn hầu hết tất cả các ngân hàng khác trong khu vực Đông Nam Á. Quả ngọt về công nghệ, dịch vụ thanh toán mà nhà băng này đạt được hôm nay có đóng góp từ "hi sinh" của các cổ đông nhiều năm trước đó.
Theo số liệu các ngân hàng công bố năm 2016, lãi thuần từ thanh toán của Techcombank chỉ thua sau nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, gần bằng Vietcombank và bỏ sau vị trí thứ 5 là ACB thu lãi 578 tỷ đồng từ riêng hoạt động này. Khoảng cách giữa Vietcombank và Techcombank trong hoạt động dịch vụ thanh toán cũng chỉ cách nhau khoảng 72 tỷ đồng.
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng top đầu thu phí thanh toán
Thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt năm 2016 của một số ngân hàng - Nguồn:NDH
Không gây sụt giảm nguồn thu nhưng việc thu hút khách hàng mở rộng quy mô từ chương trình này lại mang lại nhiều lợi ích gián tiếp cho nhà băng này. Đối với các khách hàng cá nhân, chiến lược nhà băng này đưa ra là miễn khoản phí quản lý gói tài khoản Vàng (14.900 đồng/tháng) nếu số dư bình quân của tài khoản đó hàng tháng đạt trên 2 triệu đồng. Số tiền trên có thể không quá lớn với một khách hàng nhưng tính trên 1 triệu tài khoản thỏa mãn yêu cầu này, tiền gửi thanh toán mang về khoảng 2.000 tỷ đồng.
Thực tế, giá trị tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank đã tăng lên nhanh chóng, từ mức 26.463 tỷ đồng hồi cuối quý III/2016 lên 38.235 tỷ đồng. Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn từ mức 16,18% lên xấp xỉ 22,36% cuối năm 2017.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức ngày 3/3, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT của nhà băng này cũng khẳng định hệ số NIM của ngân hàng này ở mức cao một phần đến từ chi phí huy động vốn thấp.
Thực tế, Techcombank cũng là một ngân hàng chịu chi lãi cao cho các kỳ hạn dài. Lãi suất trái phiếu cao nhất có thể lên tới 8,8%/năm áp dụng với kỳ hạn trên 5 năm. Tiền gửi không kỳ hạn trong khi đó luôn có lãi suất thấp hơn rất nhiều tiền gửi có kỳ hạn mà cụ thể ở Techcombank mức lãi suất đang được áp dụng là 0% với mức tiền dưới 10 triệu đồng, 0,1% đối với mức tiền 10-500 triệu đồng và 0,3% cho mức tiền cao hơn. Với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn, không lạ khi lãi suất từ tiền gửi không kỳ hạn đã "hạ nhiệt" lãi suất tiền gửi bình quân của nhà băng này.
Sáu quý liên tiếp thực hiện chiến dịch này đã giúp số lượng giao dịch ebanking của ngân hàng này tăng từ 8,9 triệu giao dịch năm 2016 lên 22,7 triệu giao dịch vào cuối năm 2017. Cùng đó, các khách hàng khi đã mở tài khoản thanh toán còn có thể sử dụng tiếp các dịch vụ khác của ngân hàng.
Các ngân hàng khác nhau theo đuổi chiến lược khác nhau. Chiến lược mà Techcombank lựa chọn cho thấy hiệu quả về câu chuyện mở rộng quy mô khách hàng. Tuy nhiên tiếp tục theo đuổi chiến lược này trong bao lâu sẽ là bài toán Techcombank cần tính tiếp trong thời gian tới.