Số liệu từ Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cho biết trong quý I/2019, xuất khẩu của Việt Nam đến nhóm các nước của thị trường nói tiếng Trung chỉ đạt 10 tỷ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là quý I đầu tiên chứng kiến tăng trưởng âm kể từ một thập kỷ trở lại đây.
Giai đoạn 2009 – 2018, mức tăng trưởng trung bình cùng kỳ của xuất khẩu sang thị trường tiếng Trung là 27,48%.
Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, các mặt hàng xuất khẩu như giày dép, cao su, dầu thô… vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Các mặt hàng giảm mạnh bao gồm điện thoại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, sẵn và các sản phẩm từ sắn…
Đặc biệt các mặt hàng nông lâm thuỷ sản được dự báo sẽ đối diện với nhiều vấn đề khó khăn. Trong đó, đơn vị của Bộ Công thương lưu ý đến có càng nhiều yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
"Nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường tiếng Trung (chủ yếu sang Trung Quốc) sẽ bị thu hẹp vì những quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc... nếu không đáp ứng được các yêu cầu mà thị trường Trung Quốc áp dụng tương tự như các thị trường xuất khẩu khác trên thế giới", Vụ này cảnh báo.
Trung Quốc, trong thời gian gần đây đã có những thay đổi về chính sách, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Ghi nhận của phía Bộ Công thương cho biết cùng với sự tăng trưởng của kinh tế, lượng người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ở nước này đã tăng mạnh.
Nhóm người này có nhu cầu rất lớn với các mặt hàng nhập khẩu chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì tem nhãn,…
Vì thế, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đang ngày càng thực hiện nghiêm các quy định đã có về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và các yêu cầu về bao bì, tem nhãn… Các quy định này cũng đã được thị trường Trung Quốc áp dụng đối với các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, việc chọn "điểm rơi" về chính sách của quốc gia tỷ dân này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về động cơ "thắt chặt" việc nhập khẩu.
Một đánh giá gần đây của Việt Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng có khả năng Trung Quốc làm khó hàng Việt Nam vì cho rằng Việt Nam muốn hạn chế tình trạng hàng Trung Quốc "mượn đường" để xuất khẩu sang nước thứ ba.
Do vậy, phía CIEM cũng khuyến nghị cần quan sát thêm để đưa ra các ứng phó phù hợp.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi những đánh giá mang tầm vĩ mô cho việc xuất nhập khẩu, phía Bộ Công thương cho rằng cần tăng cường quy phạm công tác tổ chức sản xuất, chế biến theo hướng đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời cần tăng cường công tác thông tin, định hướng và hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu, các hộ sản xuất về các quy định của thị trường nhập khẩu, tiếp tục rà soát, cập nhật và tiến hành đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và vườn trồng đối các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu với các cơ quan quản lý phía Trung Quốc.