Đó là phiên xử chính trị gia Anwar Ibrahim, người từng đảm trách cương vị Phó thủ tướng Malaysia từ năm 1993-1998. Trong những năm đầu nhiệm kỳ, Ibrahim được coi là gương mặt sáng giá nhất kế nhiệm Thủ tướng Mahathir bin Mohamad, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ mới ở tuổi 92 trong cuộc bầu cử lịch sử vừa diễn ra. Tuy nhiên, chính Ibrahim cũng là người chỉ trích mạnh mẽ nhất chính phủ của ông Mahathir.
Trở lại với phiên tòa tháng 9/2016, cũng chính cái bắt tay của hai kẻ thù vốn không đội trời chung đã tạo ra sự kiện chấn động trong cuộc bầu cử tháng 5/2018. Liên minh giữa đảng phái của hai chính trị gia lừng lẫy này đã giúp họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa diễn ra, chấm dứt 6 thập kỷ lãnh đạo đất nước của liên minh cầm quyền. Ngay sau chiến thắng, ông Najib Razak, người vừa rời khỏi cương vị Thủ tướng Malaysia, đã bị quản thúc – báo hiệu những ngày tháng tồi tệ đang chờ đón.
Tuy nhiên, chính phủ của tân Thủ tướng Mahathir cũng đang phải đối đầu với những thử thách sống còn. Trong tuần này, ông Anwar sẽ mãn hạn tù. Trước chiến thắng, ông Mahathir tuyên bố sẽ trao lại quyền lực cho Anwar khi ông này được tha. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy quá trình này có vẻ không xuôi chèo mát mái.
"Chúng tôi đang thực hiện cam kết xin ân xá cho Anwar. Tuy nhiên, quá trình trình pháp lý đang diễn ra và có thể có những sự chậm trễ nhỏ", vị thủ tướng 92 tuổi nói với báo giới hôm 14/5.
Ông Mahathir bin Mohamad.
Bên cạnh việc chuyển giao quyền lực, những cam kết mà liên minh của ông Mahathir đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, chẳng hạn như loại bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ, đánh giá lại các dự án hạ tầng lớn và cắt giảm chi tiêu cũng là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực để có thể trở thành hiện thực. Bất cứ vết nứt nào trong liên minh cầm quyền đều có thể làm tổn hại tới quá trình này.
Hugo Brennan, chuyên gia phân tích tình hình châu Á của Verisk Maplecroft có trụ sở tại Jakarta, nhận định: "Thiếu thời gian biểu cụ thể cho việc chuyển giao quyền lực cho Anwar có thể là rủi ro chính trị. Khả năng một thỏa thuận thiện chí sẽ sớm được ông Mahathir và Anwar đưa ra do tính chất lịch sử của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, việc nó có được duy trì trong dài hạn hay không lại là vấn đề khác".
Nhà lập pháp Nik Nazmi Nik Ahmad, lãnh đạo thanh niên của đảng PKR của ông Anwar, cho biết, liên minh cầm quyền không mong đợi việc ông Anwar sẽ trở thành thủ tướng trong vài tháng tới. "Đưa ra thời gian biểu để ông Tun (cách gọi thân mật của Thủ tướng Mahathir) nhượng lại quyền lực lúc này là hơi thiếu tôn trọng. Vì vậy, giống như Anwar đã nói, ông Tun rất tốt và sẽ điều hành chính phủ trong một thời gian. Khi mọi sự đã ổn định thì chúng ta sẽ nói về chuyển giao quyền lực".
Ông Anwar Ibrahim.
Khi ông Mahathir quyết định sa thải Anwar khỏi vị trí Phó thủ tướng năm 1998 để giảm những bất đồng xung quanh nỗ lực ứng phó với khủng hoảng tài chính châu Á, người ta khó có thể tượng tượng một ngày hai nhân vật này sẽ bắt tay để có thể lật đổ sự thống trị của liên minh cầm quyền mà chính ông Mahathir từng là một phần trong đó.
Trong khi đó, ông Anwar nhiều lần bị tuyên án tù với các buộc đồng tính, điều mà ông gọi là vở kịch dàn dựng, chiến dịch bôi nhọ nhằm phá hủy sự nghiệp chính trị của ông. Việc một chính trị gia đồng tính là điều khó có thể chấp nhận ở một quốc gia Hồi giáo như Malaysia, nhất là với người dân sống ở các vùng nông thôn, vốn rất cổ hủ.
Cái bắt tay lịch sử năm 2016 đã xóa nhòa mọi khác biệt và trở thành bước ngoặt lớn trên chính trường Malaysia. Hiện tại, họ đã nắm trong tay quyền lực. Tuy nhiên, việc phân chia quyền lực này như thế nào vẫn cần sự cân đo đong đếm giữa những người trong cuộc, vốn là những người có tính cách mạnh mẽ và khác nhau nhiều về ý thức hệ.