Những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Hoa Kỳ ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế suất 25% lên khối lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 50 tỷ USD. Sau đó, nhiều đe dọa giữa hai cường quốc về việc sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại lẫn nhau được đưa ra.
Cuộc chiến chính thức được phát động với đợt áp thuế đầu tiên 25% được Mỹ thực hiện vào ngày 6/7 đối với 34 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và thêm 16 tỷ USD nữa vào ngày hôm sau. Đến nay sau hơn 4 tháng, đã có 250 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ bị đánh thuế. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng áp dụng mức thuế tương tự lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có giá trị 60 tỷ USD từ ngày 18/9/2018. Cùng với Trung Quốc, Mỹ cũng xem xét áp dụng các rào cản thuế quan với một số quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, bao gồm cả EU, Canada và Mexico.
Hệ quả của cái được gọi là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đối với thế giới đã bắt đầu xuất hiện nghiêm trọng. Tại Mỹ, nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên vật liệu như sắt thép, đã trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng và các nhà sản xuất đã bắt đầu dịch chuyển hoạt động của mình sang một số nước lân cận có chi phí thấp hơn và chưa bị Mỹ đánh thuế.
Thế giới đang chờ đón cuộc gặp giữa Tổng thổng Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này tại Argentina. Bên cạnh những nhận định tích cực về kết quả đàm phán, nhiều chuyên gia cho rằng không dễ dàng để chấm dứt tình trạng hiện tại. Đằng sau những biện pháp trừng phạt thương mại, Mỹ đang muốn sắp xếp lại trật tự thế giới trong bối cảnh Trung Quốc đã không ngần ngại phô bày rõ tham vọng xây dựng vị thế của riêng mình từ nhiều năm nay.
Giấc mộng Trung Hoa
Từ năm 2014, ông Tập Cận Bình đã khởi xướng Giấc mộng Trung Hoa, rằng Trung Quốc đã qua giai đoạn không còn "ẩn mình chờ thời" nữa mà phải trở thành bông hoa giữa thiên hạ, lấy lại những vinh quang và ánh hào quang đã đánh mất.
Mục tiêu này ngay lập tức được Trung Quốc triển khai thành chiến lược "Một vành đai – Một con đường" nhằm xây dựng tuyến đường tơ lụa trên biển nối liền từ Trung Quốc qua vùng Trung Đông. Cùng với đó, Trung Quốc cũng khánh thành tuyến đường sắt qua Nga tới châu Âu và phát triển các tuyến đường bộ kết nối với Nga và các nước vùng vịnh.
Về mặt tài chính, Trung Quốc cũng đã cố gắng đưa đồng tiền Nhân dân tệ (CNY) vào giỏ tiền tệ cơ sở để tính Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) – đồng tiền dự trữ quốc tế do IMF phát hành. Trung Quốc cũng là nước khởi xướng và tài trợ cho việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng của đồng CNY trong khu vực nhằm cạnh tranh với sức mạnh của đồng USD.
Bên cạnh việc gia tăng tầm ảnh hưởng thông qua các thương vụ M&A tại các quốc gia lân cận, bao gồm cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Âu, Trung Quốc cũng từng bước củng cố vị thế quân sự của mình ở nước ngoài (chẳng hạn như việc đặt căn cứ tại Djibouti hay Sri Lanka).
Đằng sau tất cả các nỗ lực của mình, Trung Quốc đã cho thấy rõ tham vọng tranh giành vị thế với Mỹ trên thế giới. Nhìn lại lịch sử, Mỹ có cơ sở để lo lắng nếu Trung Quốc tiếp tục bành trướng. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Hoa Kỳ cũng đã từng phát động một cuộc chiến thương mại nhằm vào Nhật Bản vốn đang phát triển rực rỡ cả về nền kinh tế sản xuất và thị trường tài chính tiền tệ. Điểm chung của Nhật Bản thời điểm đó và Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đó là, GDP của cả hai quốc gia này đều tương đương khoảng 60% GDP của Mỹ tại hai thời kỳ tương ứng.
Thế yếu của Trung Quốc
Rõ ràng, những thành tựu mà Trung Quốc đã làm được trong quá trình xây dựng giấc mộng của mình là không thể xem thường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dấu hiệu diễn ra cho thấy thực lực của Trung Quốc hiện vẫn chưa đủ khả năng để cân bằng tầm ảnh hưởng của Mỹ trên hầu hết các lĩnh vực.
Đồng nhân dân tệ bắt đầu mất giá so với USD sau khi xuất hiện những tuyên bố đầu tiên về các khoản thuế trừng phạt thương mại. Ngay khi đợt đánh thuế đầu tiên chính thức được lên lịch (tháng 6/2018), đồng Nhân dân tệ đã mất giá hơn 6% trong vòng 1 tháng. Điều này khiến ông Donald Trump cáo buộc Trung Quốc cố tình thao túng tiền tệ. Tuy nhiên các diễn biến trên thực tế cho thấy điều này không đúng.
Trung Quốc hiện duy trì hai loại tỷ giá USD/CNY, bao gồm (1) tỷ giá chính thức trong nước do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố theo phương pháp thả nổi có điều tiết (gọi là tỷ giá onshore, tương tự Việt Nam), và (2) tỷ giá USD/CNY được giao dịch tự do tại Hongkong và một số khu vực nằm ngoài sự kiểm soát của PBOC (tỷ giá offshore). Các nhà quan sát đều nhận thấy việc đồng CNY mất giá chủ yếu do tác động từ tỷ giá offshore, mà PBOC không có khả năng kiểm soát. Bên cạnh đó, việc đồng CNY mất giá quá mạnh sẽ tác động tới dòng vốn đầu tư tại quốc gia này nên Trung Quốc sẽ không có lợi nếu chủ động phá giá đồng tiền của mình.
Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục ăn miếng trả miếng với Mỹ bằng các khoản thuế trả đũa, nhiều khả năng chính Trung Quốc sẽ phải chịu thất bại trước. Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ hiện tại là khoảng 500 tỷ USD, trong khi chỉ nhập khẩu 150 tỷ USD từ đối thủ. Nếu chơi đến cùng, Trung Quốc sẽ nhanh chóng "hết đạn" và phải chuyển qua các biện pháp khác, bao gồm cả chiến tranh tiền tệ. Khi đó, tình thế trở nên hên xui bởi tác động tới dòng vốn như đã đề cập.
Sau cùng, các phát biểu gần đây của ông Tập Cận Bình cho thấy chính Trung Quốc mới là bên sẵn sàng và mong muốn đàm phán hơn Mỹ. Tuy nhiên, nếu thực sự mục đích của Mỹ là chỉnh đốn lại trật tự thế giới và kìm hãm giấc mộng bá chủ của Trung Quốc, thì cuộc chiến thương mại chưa thể kết thúc tại cuộc đàm phán cuối tháng này. Thậm chí, đó mới chỉ là sự bắt đầu cho những diễn biến căng thẳng kéo dài trong nửa đầu thế kỷ 21.