Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đưa đến con số thú vị. Mảng dược phẩm được vận hành bởi FPT Long Châu (tiền thân là chuỗi nhà thuốc Long Châu) báo lãi, dù không đáng kể chỉ hơn 1 tỷ đồng. Điều này gây bất ngờ, bởi hầu hết các chuỗi dược phẩm có thương hiệu của Việt Nam hiện nay đều đang thua lỗ nặng, thậm chí càng mở rộng số lỗ càng tăng.
Doanh thu của FPT Long Châu đạt 1.336 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ 472 tỷ đồng. Đây được xem là bước tiến mạnh mẽ của thương hiệu bán lẻ này.
Khi mà bảng bán lẻ điện thoại và laptop bước vào giai đoạn bão hoà, FPT Retail tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với mảng dược phẩm thông qua sáp nhập thêm chuỗi nhà thuốc kinh nghiệm gần 20 năm – Long Châu.
Năm ngoái, FPT Retail tuyên bố đã tìm được "công thức thành công" cho chuỗi dược phẩm và kể từ đó bắt đầu mở rộng nhanh chóng.
Năm 2020, 130 cửa hàng Long Châu được mở mới, nâng tổng số cửa hàng vào cuối năm lên 200. Chuỗi nhà thuốc dự kiến mở thêm 150 - 200 cửa hàng nữa trong năm nay.
Báo cáo 6 tháng đầu năm của FPT Retail cho biết, doanh thu Long Châu tăng thêm 864 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu tiêu dùng thuốc, các sản phẩm y tế tăng cao trong mùa dịch. Mặt khác, công ty mở thêm 133 cửa hàng so với tại cuối tháng 6/2020.
Việc đẩy mạnh mở rộng đi kèm có lãi mỏng không phải là chuyện dễ. Năm ngoái, ở quy mô tăng lên 200 cửa hàng, Long Châu đạt doanh thu 1.191 tỷ đồng, lỗ 113 tỷ đồng. Năm liền trước, doanh thu khoảng 511 tỷ đồng, lỗ 42 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh theo bộ phận của FPT Retail
Long Châu hiện là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn thứ hai cả nước sau Pharmacity (620 cửa hàng). Cả hai chuỗi đều đang có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ trong thời gian tới. Pharmacity đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng trong năm nay. Tuy nhiên vấn đề gặp phải với ngành bán lẻ MT nói chung là việc thuê mặt bằng đang khó khăn do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP HCM và Nam bộ.
So với Long Châu, Pharmacity có phần bạo chi hơn. Năm ngoái, chuỗi nhà thuốc của Chủ tịch Chris Blank (Hoàng Trí) đạt doanh thu 1.912 tỷ đồng, nhưng lỗ 421 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế vượt mức 1.000 tỷ đồng. Phía công ty mẹ của Pharmacity là Maroon Bells mới đây đã phát hành hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài để có nguồn lực mở rộng thêm hệ thống trong thời gian tới.
Chia sẻ về những thành quả đạt được của Long Châu, Tổng giám đốc Hoàng Trung Kiên nói rằng: "Khách hàng nhìn nhận Long Châu là cửa hàng bán thuốc, không phải cửa hàng tiện lợi".
Bên cạnh đó, ông Kiên nói rằng chuỗi Long Châu có nhiều kinh nghiệm về quản trị chuỗi, tìm kiếm mặt bằng với đội ngũ dày dặn kinh nghiệm có 6 – 7 năm mở chuỗi FPT Shop.
Theo kế hoạch, năm 2021 Long Châu đặt mục tiêu lỗ từ 70 – 80 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết so với các chuỗi nhà thuốc khác thì thấp hơn nhiều. Điều này đúng và có thể nhìn thấy qua số liệu. Tuy nhiên, đại diện FPT Retail tin rằng chuỗi sẽ có lãi vào năm 2023.
"Nếu nói về hiệu quả của riêng mỗi cửa hàng không bao gồm chi phí kho tổng các loại, thì FPT Retail đặt mục tiêu 6 tháng phải hoàn vốn. Kết quả đến hết quý 1/2021, chuỗi Long Châu ghi nhận đến 90% số cửa hàng đã có lãi trong vòng 6 tháng", Chủ tịch FPT Retail – Nguyễn Bạch Điệp nói thêm.
Thị trường thuốc Việt Nam khoảng 70% nằm trong tay kênh phân phối bệnh viện (ETC), 30% thuộc về các điểm bán lẻ (OTC). Hiện nay, các chuỗi nhà thuốc có thương hiệu phải cạnh tranh với khoảng 50.000 cửa hàng bán lẻ thuốc trên thị trường tương đối khốc liệt.
Ngay như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đầu tư vào nhà thuốc An Khang từ năm 2017 sau đó phải gần như dừng lại để tập trung cho Bách Hoá Xanh. Hay Vingroup khi còn sở hữu VinCommerce cũng từng triển khai dự án bán lẻ thuốc VinFa nhưng sau đó sớm đóng cửa.
Sự khởi sắc của Long Châu cũng lý giải phần nào đà khởi sắc của cổ phiếu FRT trong thời gian qua. Từ mức 25.000 đồng vào cuối tháng Sáu, FRT đã tăng vọt lên 43.000 đồng vào giữa tháng Tám trước khi điều chỉnh trong những ngày gần đây. Mức giá hiện tại của FRT hiện cũng chỉ bằng 1/3 so với khi lên sàn vào tháng 4/2018.