Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năm 2020 cho thấy, trong khu vực ASEAN, chỉ có khoảng 1/3 số người từ 60 tuổi trở lên được nhận lương hưu thường xuyên hoặc 1 lần. Bên cạnh đó, tại các nước đang phát triển của khu vực, nhiều trường hợp mức trợ cấp tiền mặt tối thiểu hàng tháng thường thấp hơn mức lương tối thiểu.
Tại Việt Nam, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có các mức trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu từ ngày 1/7/2021.
Theo đó, mức tăng chuẩn trợ cấp xã hội hiện đã lên 360 nghìn đồng/tháng. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số.
Đối tượng | Hệ số | Mức trợ cấp |
---|---|---|
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người có người thân phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; từ 60 - 80 tuổi. | 1,5 | 540.000.đồng/tháng |
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người thân phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; đủ 80 tuổi trở lên. | 2 | 720.000 đồng/tháng |
Người cao tuổi từ đủ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; không thuộc các trường hợp 2 trường hợp nêu trên sống ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. | 1 | 360.000 đồng/tháng |
Người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên; không thuộc các trường hợp nêu trên; không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. | 1 | 360.000 đồng/tháng |
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; không có điều kiện sống ở cộng đồng; đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng. | 3 | 1.080.000 đồng/tháng |
Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng của Việt Nam đang được áp dụng như sau:
Vùng áp dụng | Mức lương tối thiểu |
---|---|
Vùng I | 4.420.000 đồng/tháng |
Vùng II | 3.920.000 đồng/tháng |
Vùng III | 3.430.000 đồng/tháng |
Vùng IV | 3.070.000 đồng/tháng |
Tại Thái Lan, mức trợ cấp xã hội đang vào khoảng 600 bath cho người từ 60 - 69 tuổi; 700 bath nếu từ 70 - 79 tuổi; 800 baht nếu từ 80 đến 89 tuổi; và 1.000 baht nếu từ 90 tuổi trở lên. Trong khi đó, mức lương tối thiểu ở Thái Lan là từ 313 baht/ngày (10,03 USD) - 336 baht/ngày (10,77 USD) năm 2021.
Như vậy với Việt Nam, mức lương tối thiểu đang hơn gần 10 lần mức trợ cấp xã hội. Với Thái Lan, con số này là gần 15 lần.
Đáng chú ý, theo ILO các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines lại đang phải đối mặt với thực trạng tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.
Đặc biệt, năm 2017, khoảng 8,3 triệu người trong số 10,1 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không nhận hưu trí, chiếm tới 83% số người trong độ tuổi hơn 60 tuổi.
Hay như trong báo cáo của ILO hồi 2019, tổ chức này đã cảnh báo sẽ có khoảng 16 triệu người Việt Nam có thể sẽ không có lương hưu vào năm 2030, trừ khi Chính phủ có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Thực tế, những năm gần đây, Việt Nam đã từng bước xây dựng hệ thống hưu trí mang tính toàn diện, với sự kết hợp giữa bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp xã hội.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam tại Hội nghị giao ban tháng 9/2021, tính đến ngày 6/9/2021, cả nước có 14.844.857 người tham gia BHXH và đạt 83,89% kế hoạch BHXH Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ có khoảng 29,82% tổng lực lượng lao động đóng BHXH và có thể nhận hưu trí từ hệ thống đóng góp khi về già.
Theo đó, ILO cũng đưa ra kiến nghị Việt Nam nên xây dựng một hệ thống hưu trí đa bậc nhằm đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho những người lao động về hưu thông qua các khoản lương hưu được hỗ trợ thuế, bảo hiểm xã hội bắt buộc và lương hưu bổ sung.