Cụ thể, báo cáo đã đưa ra ba dự báo về dân số Việt Nam cho 50 năm tới (2019–2069). Các tham số về cơ cấu dân số (các đặc trưng và các mức sinh và tử) của ba dự báo đều như nhau và được lấy từ báo cáo Viễn cảnh Dân số Thế giới năm 2019 (UNDESA 2019). Báo cáo giả định không có di cư quốc tế, đồng thời sử dụng phân bố giới tính và độ tuổi lấy từ quần thể của Tổng điều tra Dân số 2019 làm chuẩn cho các mô phỏng.
Báo cáo đánh giá, dân số Việt Nam vẫn có tỷ lệ nữ trội hơn đến năm 2069. Phân tích này cho thấy lợi thế tuổi thọ của nữ giới không bị mất đi do số ca sinh bé trai cao hơn ở các thế hệ sau. Đàn ông hiện chiếm đa số dân số trưởng thành, nhưng tỷ lệ giới tính ở độ tuổi trưởng thành còn tăng thêm trong các thập kỷ tới.
Theo đó, các chuyên gia của WB nhận định, tình trạng mất cân bằng cơ cấu dân số sẽ để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng, khi hàng triệu đàn ông bị loại khỏi thị trường hôn nhân. Các mức tỷ lệ giới tính ở độ tuổi trưởng thành có thể chuyển thành số đàn ông dư thừa.
Nguồn: World Bank
Ở kịch bản “giảm”, khoảng 1,3 triệu đàn ông độ tuổi 20-39 bị dôi dư vào năm 2044, tương ứng với 8,1% đàn ông bị dư so với phụ nữ cùng nhóm tuổi. Mức dư sẽ tăng lên đến 1,7 triệu vào năm 2049 ở nhóm tuổi từ 20-49 tuổi. Con số này sẽ giảm dần sau đó, nhưng dự báo của chúng tôi vẫn cho thấy có 1,3 triệu đàn ông ở nhóm tuổi 20-49 bị dôi dư vào năm 2069.
Tương tự với kịch bản dự báo "phản thực tế", ở mức đỉnh vào năm 2054, Việt Nam có thêm khoảng 1,7 triệu đàn ông ở độ tuổi 20-49, trong đó 750.000 tăng thêm do tác động cộng dồn của tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) chênh lệch trước đó. Tình trạng thừa nam trên vẫn thể hiện rõ đến năm 2069.
World Bank đánh giá, mức độ mất cân bằng giới tính ở độ tuổi trưởng thành lớn tới mức những điều chỉnh trực tiếp thông qua nhập cư phụ nữ, xuất cư đàn ông, hoặc thay đổi xu hướng hôn nhân cũng không thể xóa đi tác động của tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về nam nữ ở độ tuổi kết hôn.
Báo cáo cho biết thêm, số trẻ em gái không được sinh ra ở Việt Nam ước lên đến 45.900 mỗi năm (6,2% ca sinh bé gái), trong đó tỷ lệ trẻ em gái không được sinh ra lớn nhất là 42% ở đồng bằng sông Hồng, tiếp theo là miền núi và trung du Bắc Bộ.
Tuy nhiên, tình hình đang có dấu hiệu cải thiện và TSGTKS dự kiến giảm như có thể thấy ở một số tỉnh. Dự báo Bayes gần đây khẳng định TSGTKS giảm dần trong 15 năm tới và đạt mức bình thường vào năm 2039. Tác động dân số đầy đủ của mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) sẽ chỉ nhận thấy được trong 30 năm tới, với khả năng thừa 1,7 đàn ông vào năm 2050.
Vậy nguyên nhân do đâu?
Nghiên cứu của WB đã chỉ ra ba yếu tố quyết định khả năng xảy ra MCBGTKS ở Việt Nam. Một là yếu tố cung, liên quan đến khả năng tiếp cận công nghệ lựa chọn giới tính, ví dụ như siêu âm và nạo phá thai. Hai là áp lực giảm dân số, cha mẹ không được sinh thêm để đạt các mục tiêu sinh con trên cơ sở giới. Ba là nhu cầu cấp thiết do tâm lý chuộng con trai.
Báo cáo đánh giá, khả năng không có con trai sẽ tăng lên khi mức sinh giảm. Quy mô hộ gia đình ở Việt Nam nhìn chung đã thu nhỏ, lý do bởi người dân muốn sinh ít con hơn để dành thêm nguồn lực và thời gian cho con.
Tóm lại, nhiều gia đình muốn có hai con vì như vậy phù hợp với mức sống của họ. Hơn nữa, chính sách kiểm soát mức sinh kết hợp với những chuyển đổi kinh tế - xã hội và kỳ vọng mới khiến tiêu chuẩn hai con được xã hội chấp nhận rộng rãi. Số liệu cho thấy, tổng mức sinh giảm từ 6,5 xuống còn 2 con trên mỗi phụ nữ trong giai đoạn từ năm 1965-2000.
Khảo sát gần nhất từ năm 2018 cho biết, mức sinh chung của một phụ nữ Việt Nam là 2,05 trẻ. Khảo sát này cũng có câu hỏi về mong muốn giới tính của đứa trẻ sinh sau cùng. Đại đa số (68,7%) phụ nữ cho hay, họ không coi trọng việc sinh con trai hay gái. Tuy nhiên, 21,7% số người được hỏi cho rằng thích có con trai hơn, cao gấp đôi số người cho biết thích có con gái hơn (9,6%).
Liên quan đến khả năng tiếp cận công nghệ lựa chọn giới tính, báo cáo chỉ ra rằng, lựa chọn giới tính trở thành lĩnh vực kinh doanh béo bở và phát đạt ở Việt Nam. Dù phá thai lựa chọn giới tính vẫn là cách phổ biến nhất để đảm bảo sinh con trai, nhưng các hình thức công nghệ tiên tiến hơn về phân loại tinh trùng, lựa chọn giới tính trước khi thụ thai, và lựa chọn giới tính trước khi tạo hoặc cấy phôi, đang trên đà phát triển.
Theo đó, khả năng tiếp cận các công nghệ hỗ trợ sinh sản trên thực tế đã được ghi nhận thông qua các số liệu thống kê chính thức từ các khảo sát dân số định kỳ của Tổng cục Thống kê. Tỷ lệ phụ nữ cho biết đã biết giới tính thai nhi trước khi sinh tăng tới 83% vào năm 2013. Khảo sát năm 2018 cho thấy 32% số phụ nữ biết giới tính thai nhi trước tuần thứ 15 của thai kỳ và thêm 65,7% biết vào thời điểm giữa tuần thứ 15 và tuần thứ 28.