7 năm trước, trong một căn biệt thự nhìn ra hồ ở Thâm Quyến (Trung Quốc), một nhóm gồm các giám đốc hàng đầu của Huawei Technologies, dẫn đầu là người sáng lập công ty - Ren Zhengfei đã tổ chức một cuộc họp kín trong nhiều ngày.
Nhiệm vụ của họ là lên ý tưởng về việc phản ứng ra sao trước sự thành công ngày càng lớn của hệ điều hành Android của Google trên khắp thế giới - hệ điều hành mà chính Huawei đang dùng cho các thiết bị của mình. Mối quan tâm cơ bản là sự phụ thuộc vào Android có thể khiến Huawei bị tổn thương trước một lệnh cấm từ phía Mỹ trong tương lai.
Nhóm này nhất trí rằng Huawei cần phải xây dựng một hệ điều hành riêng để có thể thay thế Android khi cần, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn nguồn tin thân cận cho biết.
Cuộc họp đó sau này được gọi là "cuộc họp bên hồ" trong nội bộ Huawei và việc tiếp cận các tài liệu liên quan đến nó được giới hạn nghiêm ngặt tại công ty này.
Hệ điều hành được phát triển từ 7 năm trước
Sau cuộc thảo luận và định hướng từ ban lãnh đạo cấp cao, một đội dẫn đầu bởi các giám đốc bao gồm Eric Xu Zhijun - hiện là một trong 3 chủ tịch luân phiên của Huawei, được thành lập và bắt đầu nghiên cứu, phát triển hệ điều hành riêng, hoạt động dưới điều kiện bảo mật nghiêm ngặt.
Một khu vực chuyên biệt đã được thành lập bên trong trụ sở Huawei để dành cho đội phát triển hệ điều hành, với bảo vệ canh gác ngoài cửa. Chỉ những nhân viên thuộc đội này mới được phép ra vào. Điện thoại di động cá nhân không được phép sử dụng tại đây mà phải để trong hộp khoá ở bên ngoài.
Dự án hệ điều hành trở thành một phần quan trọng của Huawei 2012 Laboratories - bộ phận phát triển công nghệ, nghiên cứu và đổi mới của công ty.
Bộ phận này, gồm nhiều học giả và nhà nghiên cứu của Huawei, được thành lập với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và được đầu tư hàng tỷ Nhân dân tệ mỗi năm dù chưa mang lại lợi nhuận tức thì cho công ty. Hầu hết các kết quả của bộ phận này, bao gồm dự án hệ điều hành, không được công bố và Huawei cũng mới chỉ thừa nhận sự tồn tại của nó thời gian gần đây.
Thời thế đã thay đổi kể từ năm 2012, khi một nhóm nhỏ các thương hiệu quốc tế thống lĩnh thị trường điện thoại di động và Huawei chỉ nắm chưa tới 5% thị phần toàn cầu. Hiện công ty này là nhà sản xuất di động thông minh (smartphone) lớn thứ hai thế giới với doanh số 206 triệu chiếc trong năm 2018 và gần một nửa số đó được bán ở thị trường toàn cầu, theo dữ liệu của IDC.
Thông tin về hệ điều hành riêng của Huawei được biết đến vào tháng 3 năm nay khi giám đốc mảng di động Richard Yu Chengdong chia sẻ với một tờ báo của Đức rằng Huawei đã phát triển hệ điều hành riêng cho cả smartphone và máy tính, để sử dụng trong trường hợp hệ điều hành hiện tại của các hãng công nghệ lớn của Mỹ không còn dùng được.
Thông tin từ Yu được đưa ra sau khi Mỹ bắt đầu gia tăng áp lực lên Huawei, cảnh báo các nước đồng minh rằng thiết bị của công ty này đe doạ tới an ninh quốc gia.
Là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei hiện đối mặt với nhiều cáo buộc từ phía Mỹ, bao gồm đánh cắp bí mật thương mại, vi phạm các lệnh cấm vận kinh tế và che dấu các giao dịch làm ăn với Iran thông qua một công ty con không chính thức. Huawei liên tục phủ nhận những cáo buộc này và cho rằng Mỹ thiếu căn cứ.
Vấn đề hệ điều hành càng thêm cấp thiết sau khi chính phủ Mỹ đưa Huawei cùng các công ty con vào danh sách đen thương mại, cấm mua sản phẩm và dịch vụ từ các công ty của Mỹ nếu không được cấp phép vào giữa tháng 5 vừa qua.
Google và Microsoft, hai công ty sở hữu hệ điều hành Android và Windows mà Huawei đang dùng cho smartphone, máy tính bảng và laptop do hãng sản xuất, đều đã ngừng cung cấp dịch vụ này cho các thiết bị mới của Huawei. Sau 90 ngày, các công ty Mỹ phải dừng hoàn toàn việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho tập đoàn Trung Quốc. Với loạt động thái này, Huawei đã thừa nhận có kế hoạch từ lâu cho một hệ điều hành thay thế cho Android và Windows.
Loạt thách thức cho hệ điều hành mang tên Huawei
Hệ điều hành của Huawei hoạt động đựa trên một nhân hệ điều hành nhỏ (microkernel) với khả năng linh hoạt và phản ứng nhanh chóng với các thao tác, nguồn tin của SCMP cho biết. Các kỹ sư của Huawei đã nghiên cứu kỹ hệ điều hành Android và iOS của Apple để học hỏi.
Một trong những thách thức lớn nhất về mặt kỹ thuật của hệ điều hành đang được phát triển này là khả năng tương thích với Android. Việc tương thích với Android cho phép một điện thoại Huawei với hệ điều hành riêng có thể tải và chạy liền mạch các ứng dụng Android. Việc này cũng đồng nghĩa các nhà phát triển ứng dụng trên khắp thế giới sẽ không phải viết thêm các mã code cho hệ điều hành của Huawei.
Trước đây, đã có nhiều công ty cố gắng phát triển một hệ điều hành riêng để thay thế Android nhưng không thành công. Microsoft từng thử phát triển thêm tính năng trên hệ điều hành Windows của mình để chạy các ứng dụng Android nhưng thất bại. Samsung cũng từng thử thay thế Android bằng hệ điều hành Tizen của mình nhưng không thành.
Tương tự, kể cả khi hệ điều hành của Huawei có thể chạy được các ứng dụng Android, việc thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ riêng sẽ là vấn đề đau đầu cho tập đoàn này.
Theo thông tin được công khai, năm ngoái, Huawei đã đăng ký tên thương hiệu "Huawei Hongmeng" tại Trung Quốc, dẫn tới đồn đoán rằng đây có thể là tên gọi cho hệ điều hành của công ty này. Vào cuối tháng 5 vừa qua, Huawei cũng đăng ký tên gọi "Huawei Ark OS" (hệ điều hành Huawei Ark) tại Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh châu Âu.
Giám đốc mảng di động Richard Yu Chengdong của Huawei cũng tỏ ra lạc quan về hệ điều hành này trong một bài phỏng vấn đăng tải trên Securities Times hôm 21/5. Ông cho biết hệ điều hành do Huawei tự phát triển có thể hỗ trợ nhiều sản phẩm trong hệ sinh thái của công ty gồm smartphone, máy tính, máy tính bảng, TV, ôtô, thiết bị đeo, đồng thời cũng tương thích với tất cả ứng dụng của Android và các ứng dụng web hiện tại.
"Hệ điều hành Huawei có thể sẽ ra mắt vào mùa thu năm nay hoặc muộn nhất là mùa xuân năm sau", Yu chia sẻ trong một nhóm WeChat. Dù ảnh chụp đoạn hội thoại này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc nhưng Huawei từ chối xác nhận thông tin đó.
"Tôi không thể thiết lộ thêm thông tin về những phát ngôn của Yu", Zhao Ming, chủ tịch của Honor, một trong hai thương hiệu smartphone của Huawei, nói với báo giới tại Thượng Hải vào tháng trước, khi được hỏi về hệ điều hành Huawei.
Một trong những câu hỏi nữa được đặt ra là về trải nghiệm của người dùng và liệu khách hàng quốc tế của Huawei có thực sự muốn một chiếc điện thoại không sử dụng được các ứng dụng phổ biến của Google hay không.
Hiện tại, hệ điều hành Android của Google và hệ điều hành iOS của riêng Apple đang chiếm tới 99% thị phần toàn cầu, theo ước tính vào năm ngoái của Gartner.
Trong khi đó, Huawei tỏ ra tự tin về triển vọng của hệ điều hành do mình phát triển tại thị trường Trung Quốc bởi công ty này tin rằng các nhà phát triển ứng dụng và người dùng trong nước sẽ ủng hộ và nhanh chóng xây dựng một hệ sinh thái riêng, nguồn tin của SCMP. Tại Trung Quốc, doanh số của Huawei vẫn tiếp tục tăng dù hệ điều hành Android ở nước này chưa bao giờ sử dụng được các dịch vụ của Google do quy định hạn chế của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Bloomberg hôm 5/6 dẫn một phân tích cho biết nhiều người dùng tại châu Âu sợ rằng điện thoại Huawei sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời khi không thể cập nhật các ứng dụng Android. Điều này đồng nghĩa nhu cầu cho điện thoại này sẽ giảm mạnh tại một số thị trường châu Âu.
Huawei sẽ cần các biện pháp để đối phó trước các động thái của Mỹ. Dù từ lâu hãng này đã chuẩn bị cho viễn cảnh xấu nhất, việc giám đốc tài chính Meng Wanzhou bị bắt tại Canada vào cuối năm 2018 cùng loạt sự vụ xảy ra sau đó đã khiến Huawei phải đẩy nhanh các kế hoạch của mình, người sáng lập, CEO của Huawei - Ren Zhengfei (cũng là cha của Meng) chia sẻ với báo chí vào cuối tháng 5.