Làn sóng rao bán khách sạn đồng nhất trên cả nước, nhất là tại các thành phố lớn như HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đang cho thấy phần nào tính khốc liệt của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch, lưu trú.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 9 tháng giảm 15% so với cùng kỳ; trong khi đó doanh thu dịch vụ lữ hành giảm tới 56%. Khách du lịch giảm sút sâu, đặc biệt là khách quốc tế khiến cho nhu cầu đặt phòng nghỉ "bốc hơi" tương ứng. Điều này buộc các khách sạn – nhà nghỉ phải đưa ra các biện pháp tiết giảm chi phí, tìm nguồn khách hàng mới, giảm giá cho thuê, cũng như tái cơ cấu hoạt động…
Khảo sát kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cho thấy nửa đầu năm là quãng thời gian thực sự đáng buồn, hầu hết chứng kiến doanh thu - lợi nhuận sụt giảm sâu, thậm chí báo lỗ nặng cho dù thuộc phân khúc nào.
CTCP Bất động sản Ninh Vân Bay, chủ đầu tư của khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay, được mệnh danh là lãng mạn quyến rũ nhất thế giới ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng giảm 28% còn 109 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 61%, rơi về mức 11 tỷ đồng.
Dù vậy, BĐS Ninh Vân Bay vẫn còn may mắn khi có lãi. CTCP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương, chủ đầu tư khách sạn Sheraton Đà Nẵng Resort thậm chí lỗ nặng 146 tỷ đồng, gần gấp đôi năm ngoái. Doanh thu thuần chỉ còn 55 tỷ đồng, tương đương 30% so với cùng kỳ và không bù nổi giá vốn. Khoản lỗ khiến công ty Đông Phương âm vốn chủ 231 tỷ đồng.
Bên cạnh việc kinh doanh bết bát, chi phí lãi vay cũng là gánh nặng chính đề lên đôi vai của ban lãnh đạo công ty này. Lãi vay trong 6 tháng đầu năm 78 tỷ đồng, trong đó gần một nửa dưới dạng chi phí vốn theo các hợp đồng hợp tác đầu tư.
Nằm trong cùng khu vực trung tâm du lịch Miền Trung, CTCP Du lịch - Dịch vụ Hội An giảm doanh thu còn 1/3, ghi nhận 31 tỷ đồng. Công ty là chủ sở hữu của khách sạn Hội An, khu du lịch biển Hội An, khu nghỉ dưỡng Tam Thanh – 3 địa điểm lưu trú giàu truyền thống. Mức lỗ ghi nhận gần 11 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, CTCP Roxy Việt Nam - chủ đầu tư khách sạn Moevenpick cũng có hai quý đầu năm nay không hề sáng sủa. Đặc biệt là trong quý II, doanh thu thuần còn chưa đầy 5 tỷ đồng, giảm 87%. Mức lỗ thuần 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái lãi 11 tỷ đồng. Moevenpick may mắn khi có khoản lợi nhuận khác gần 7 tỷ đồng trong quý, chính là phần đền bù hoạt động kinh doanh casino (CLB Wins).
Hay như CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á tại Thái Nguyên doanh thu giảm 92% còn 6 tỷ đồng nhưng vẫn có lãi nhờ nguồn thu tài chính.
Hai công ty trong ngành nổi tiếng trên sàn chứng khoán là Du lịch Thành Thành Công (VNG) và Khách sạn Dịch vụ OCH cũng không tránh khỏi việc sụt giảm doanh số. Tuy nhiên, bằng những cách khác nhau, cả VNG và OCH lại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, đi ngược xu hướng chung.
Doanh thu của VNG giảm 45% còn 253 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm gần 2/3. Tuy nhiên, cứu cánh của VNG đến từ hoạt động tài chính, doanh thu 97 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Đây là khoản lãi do chuyển nhượng hai công ty con Đồng Thuận và Tà Cú trong nửa đầu năm. Chính khoản lãi bất thường này khiến lợi nhuận ròng của VNG tăng thêm gần 7 tỷ đồng.
OCH thuộc Ocean Group cũng có một kịch bản tương tự, doanh thu thuần 252 tỷ đồng, giảm 37%. Nhưng thu hoạt động tài chính đột biến 274 tỷ đồng cũng từ thoái vốn tại hai khoản đầu tư, ghi lãi 259 tỷ đồng. Điều này giúp OCH báo lãi khủng 237 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 57 tỷ.
VNG, thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công sở hữu tới 14 khách sạn – khu nghỉ dưỡng trên cả nước, với hơn 1.200 phòng; không những vậy còn sở hữu các khu vui chơi, nhà hàng và trung tâm lữ hành…
OCH cũng nắm trong tay khoảng 5 đơn vị kinh doanh khách sạn bao gồm Sunrise Hội An, Sunrise Nha Trang, Starcity Nha Trang, hay như Starcity Suối Mơ vừa được thanh lý nửa đầu năm. Doanh thu từ dịch vụ khách sạn và quản lý tòa nhà thông thường chiếm khoảng 1/3 trong cơ cấu của OCH.