Trang trại lợn khổng lồ
Những tòa nhà cao tầng mọc lên giữa vùng đồi núi, ngay trên núi Yiji, cách thành phố Quý Cảng ở miền Nam Trung Quốc chỉ vài km về phía nam. Đây không phải là nhà cho người ở mà là những nông trại nuôi lợn cao nhất thế giới , gồm những tòa nhà cao tới 9 tầng chứa hàng chục nghìn con lợn. Một tòa nông trại 12 tầng đang được xây và chuẩn bị hoàn thành.
"Mỗi tầng chúng tôi nuôi 1.270 con lợn," Yuanfei Gao, phó chủ tịch công ty Yangxiang - chủ sở hữu những nông trại này - cho hay. "Tuy nhiên trong tương lai chúng tôi sẽ thiết kế các tòa nhà có thể chứa hơn 1.300 con trong một tầng".
Bên trong các trang trại lợn cao tầng. Ảnh: Reuters
Yangxiang là một trong những "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp chăn nuôi lợn ở Trung Quốc, hàng năm nuôi và xuất bán tới 2 triệu con lợn trên hơn 10 trang trại ở khắp Trung Quốc. Trang trại ở núi Yaji là khu chăn nuôi lớn nhất, hiện đại nhất trong hệ thống chăn nuôi nhiều tầng của công ty Yangxiang, có thể xuất bán tới khoảng 840.000 con lợn/1 năm khi hoàn thiện toàn bộ quá trình xây dựng.
Trong 2 năm qua, nông dân và người tiêu dùng Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hàng loạt dịch bệnh. Dịch COVID-19 , dịch cúm lợn H1N1, dịch tả lợn châu Phi (khiến Trung Quốc thiệt hại hơn 200 triệu con lợn trong 1 năm) và bệnh lở mồm long móng ở lợn đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực và đời sống người dân.
Những hệ thống chăn nuôi cao tầng, hiện đại này được cho là " vũ khí " của Trung Quốc trong trận chiến chống lại các đại dịch trong tương lai.
Tháng máy cho lợn. Ảnh: Reuters
Chuyển đổi hệ thống chăn nuôi
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đối diện với những thách thức từ dịch bệnh. Với mật độ các đàn lợn và gà cao ở các trang trại nhỏ và vừa, Trung Quốc gặp nhiều trở ngại trong việc quản lí vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trong các đàn gia súc, gia cầm.
Trước đây, người dân Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung cấp thực phẩm từ các nông trại nhỏ, nhưng khi nhu cầu thịt tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh ở động vật tăng cao, những hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ không còn đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ, khi dịch cúm gà H5N1 xuất hiện, nhiều trang trại nhỏ không quây lưới để chặn chim hoang dã tiếp cận và lây virus cho các đàn gà của họ.
Theo Guardian, chính quyền các tỉnh ở Trung Quốc muốn các khu chăn nuôi lớn nằm ở xa thành phố để tránh ô nhiễm. Nhiều hộ chăn nuôi không còn nuôi lợn bởi không thể đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sinh học. Trong vài năm qua, số lượng các nông trại quy mô lớn đã tăng lên nhiều do những nông trại này đảm bảo vệ sinh sạch hơn và có kiểm soát ô nhiễm.
Trang trại lợn cao 7 tầng ở núi Yaji. Một trang trại cao 12 tầng đang được hoàn thiện. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, ông Gao cho biết công ty Yangxiang đã chứng tỏ năng lực trong việc đối phó với dịch bệnh. Mặc dù Trung Quốc đã tiêu hủy hàng triệu con lợn trong 2 năm qua, tình hình ở trang trại núi Yaji dường như bớt ảm đạm hơn. "Các công ty ở Trung Quốc mất tới 1 nửa số lợn họ chăn nuôi. Công ty Yangxiang cũng chịu thiệt hại, nhưng kiểm soát được ở mức chỉ thiệt 10%".
Khu chăn nuôi Yaji còn xây các tòa nhà để cho người lao động và nhân viên sinh sống, có cả sân tennis.
"Khu cách ly cho các nhân viên trang trại được chia làm ba phần. Tại cửa ra vào, họ sẽ nêu tên, cho biết họ tới từ đâu và định tới trang trại nào. Tiếp đó, nhân viên sẽ trải qua quy trình khử trùng tay, quần áo, giày, điện thoại và máy tính.
Nhân viên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch trong khi chờ ở khu cách ly đầu tiên. Nếu kết quả âm tính, họ sẽ được tới khu tiếp theo trong 2 ngày, và từ đó sẽ được di chuyển tới các trang trại. Nhưng nếu kết quả dương tính, nhân viên sẽ không được đi tiếp".
"Mỗi lần nhân viên muốn tới trang trại, họ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục cách ly ở đây".
Theo đại diện công ty, các đàn lợn chỉ được phép nuôi ở những tầng nhất định để tránh bị trộn với các đàn khác. Mỗi khu tòa nhà có hệ thống thông khí riêng, có thang máy để vận chuyển và đường ống đưa lợn con chết vào các lò thiêu hủy.
Trả lời Guardian, một chuyên gia về chăn nuôi đánh giá: "Tôi cho rằng trong 30 tới 50 năm nữa, ngành chăn nuôi của Trung Quốc sẽ cực kỳ hiệu quả và an toàn, nhưng từ nay tới khi đó vẫn còn là một chặng đường dài".