Đầu tháng 11, Việt Nam đón nhận một thông tin tích cực khi khi tờ Thelec trích nguồn tin trong ngành, cho biết Samsung sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại nữa tại Việt Nam. Đây sẽ là nhà máy thứ 3 tại đất nước hình chữ S, nếu quyết định trên được thông qua và thực thi.
"Đây là một tin rất tốt cho thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bình luận. Ông cũng nói rằng hiện rất khó để dự báo được nhà máy thứ 3 này sẽ được Samsung chọn đặt ở đâu.
Bên cạnh những phấn khởi ban đầu, ông Toàn quay trở lại câu chuyện muôn thuở về FDI của Việt Nam. Ở đây là việc doanh nghiệp Việt làm thế nào tham gia được vào chuỗi giá trị khổng lồ của Samsung.
"Chỉ cần chúng ta tăng thêm được 1 hoặc một vài phần trăm là rất đáng quý. Đây là vấn đề quan trọng hơn cần đặt lên bàn cân", ông nhấn mạnh.
Sự tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung đã nhận được nhiều tín hiệu khả quan hơn thời điểm các doanh nghiệp "nóng mặt" vì bị chê "không làm nổi con ốc vít". Điều này có được nhờ sự cố gắng của doanh nghiệp cũng như những thiện chí của Samsung.
Hiện nay Việt Nam có tổng cộng 29 công ty trong nước là nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung, so với con số 4 công ty của năm 2014. Đến năm 2020, số lượng này dự kiến tăng thành 50. Tờ Nikkei nhận định các công ty sau khi tận dụng sức mạnh công nghệ mà Samsung chuyển giao có thể vươn ra các ngành công nghiệp khác và hình thành một chuỗi cung ứng địa phương.
Nhưng đấy là câu chuyện xa hơn. "Các nhà cung ứng cấp 1 và 2 dù có tăng lên nhưng chưa tham gia sâu vào công nghệ", ông Toàn nhận xét. Bỏ qua công nghệ bí quyết độc quyền, thì ở những kỹ thuật tương đối tiên tiến, đa phần doanh nghiệp Việt vẫn rất hạn chế trong việc tiếp cận.
Dẫn Trung Quốc làm ví dụ, ông Toàn cho biết doanh nghiệp nước này tiếp thu rất nhanh các công nghệ, dần sản xuất ra được các sản phẩm "made in China", cạnh tranh ngược lại với các nhà sản xuất nước ngoài. "iPhone được làm ra tại Trung Quốc với rất nhiều các doanh nghiệp nội địa tham gia", ông nói.
Vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực FDI nói rằng doanh nghiệp trong nước cần phải nâng tầm lên, tận dụng những đào tạo của Samsung để phát triển. Mặt khác, ông cũng nói nhiều đến vấn đề vốn. Vốn cần đủ lớn để mua công nghệ, bởi công nghệ không "đợi" được Việt Nam sáng tạo ra.
"Trên cơ sở công nghệ đó, doanh nghiệp cần thích ứng và cải tiến liên tục. Bởi Samsung là cũng luôn luôn cải tiến", ông Toàn cho biết.
Tập đoàn Samsung đang đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 17 tỷ USD, xuất khẩu trên 54 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 160.000 người.
Trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong hồi cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Tập đoàn này mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động tại thị trường hơn 90 triệu dân.
Việt Nam theo đó không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất toàn cầu mà được hướng tới "cứ điểm chiến lược lớn nhất toàn cầu".
Mặt khác, Thủ tướng đã đề nghị Samsung triển khai Dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung theo đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam để góp phần thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Đồng thời, Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ thiết thực về đào tạo và chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.
Ông Lee Jae Yong đã cam kết thực hiện với Thủ tướng Phúc về những đề xuất này. Bởi, như ông nhận xét dù đã đầu tư ở nhiều quốc gia, nhưng không có nhiều nơi Chính phủ lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp mạnh mẽ như Việt Nam.