Tính đến ngày 26/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cùng kỳ năm 2021. Theo NHNN cho biết, năm 2022, áp lực lạm phát trong nước tăng cao, tạo thách thức đối với điều hành CSTT để một mặt hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng mặt khác phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD và giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Hiện nay, nhu cầu tín dụng tăng cao trước quá trình phục hồi kinh tế, trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế, nên không thể chủ quan với rủi ro lạm phát. Ngoài ra, tỷ lệ Tín dụng/GDP của Việt Nam theo IMF và WB thuộc hàng cao nhất thế giới so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức mà các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo Việt Nam về rủi ro tài chính – ngân hàng.
Mới đây, Ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN đã thông tin “trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế”.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết, đánh giá: "Thách thức từ bên ngoài rất lớn, lạm phát cao, giá trị đồng tiền của các ngân hàng trung ương lớn đang tăng mạnh. Với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm nay, tôi cho rằng đây là mức hợp lý".
Đánh giá việc điều hành tín dụng của NHNN, GS.TS Trần Thọ Đạt - Ủy viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, NHNN kiên định chỉ tiêu tăng trưởng tin dụng 14% là căn cứ có khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn và việc NHNN kiên định mục tiêu này là hợp lý.
Theo các chuyên gia, còn một lý do nữa để cơ quan điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và giữ nguyên định hướng tăng tín dụng cho cả năm là 14%. Vì hiện nay, mức huy động tiền gửi và cho vay của các ngân hàng thương mại đang có nhiều chênh lệch. Trong khi mức huy động tiền gửi là 5,4%, nhưng cho vay ra khoảng 9,4%. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ có nhiều hệ lụy.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: "Nhiều ngân hàng đang có vẻ đẩy lãi suất lên. Với 2 lý do là nợ xấu thu hồi về đang rất chậm, nguồn tiền cũ đi mà chưa quay trở lại để tiếp tục đưa vào hệ thống tín dụng mới. Do thị trường vốn, chứng khoán còn chưa phát triển đúng với vai trò, vị thế của mình, nên việc cân đối vốn cho nền kinh tế đặc biệt là vốn trung dài hạn vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, từ đó tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng, kéo theo sức ép và rủi ro lớn lên hệ thống TCTD. Đây cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá đối với ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến những hệ lụy phải xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD và vẫn còn kéo dài cho đến nay.”
Cũng theo ông Nghĩa, khi chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng, mức tăng tín dụng không được nới rộng cũng là lúc các nguồn vốn, nguồn lực khác cần được đẩy mạnh và phát huy hơn.
Cùng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, cũng cho rằng: "Vốn tín dụng hiện nay chỉ chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, còn lại 50% nguồn vốn khác chúng ta cũng phải đa dạng hóa và quan tâm. Thứ nhất là nguồn vốn phát hành trái phiếu; thứ hai là thu hút FDI; thứ ba là nguồn vốn đầu tư tư nhân".
Về các giải pháp điều hành tín dụng, phương châm điều hành tín dụng của NHNN vẫn là tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Với mức tăng 14%, từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng gần 500.000 tỷ đồng nữa được hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế./.