Tuần trước, Công ty Cổ phần Phân phối công nghệ Quang Dũng (QD.TEK), thuộc Tập đoàn Greenfeed Việt Nam và Công ty NTT Global Data Centers (NTT GDC), thuộc tập đoàn NNT Nhật Bản chính thức liên doanh xây dựng trung tâm dữ liệu tại TP. HCM, với tổng vốn đầu tư lên tới 56 triệu USD.
Phối cảnh Dự án Trung tâm Dữ liệu HCMC1
Theo đó, QD.TEK và NNT GDC sẽ thành lập công ty mới với tên gọi TNHH NNT Global Data Centers HCMC1 (HCMC1). Trong vai trò là một công ty liên doanh, HCMC1 sẽ khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu HCMC1, dự kiến ra mắt vào năm 2024.
Cuối năm 2021, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Worldwide DC Solution (Singapore) để đầu tư dự án trung tâm dữ liệu với tổng mức đầu tư 70 triệu USD.
Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên trong năm 2021 tại SHTP được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo Ban quản lý SHTP, Công ty Worldwide DC Solution là nhà phát triển trung tâm dữ liệu có trụ sở tại Singapore. Với việc được cấp giấy chứng nhận đầu tư này, Worldwide DC Solution sẽ phát triển một dự án trung tâm dữ liệu tại Khu phức hợp OneHub Saigon, một khu phức hợp theo mô hình "campus" do Công ty TNHH Ascendas Saigon Bund đầu tư tại SHTP.
Với mục tiêu cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê tủ rack, cho thuê chỗ đặt và không gian trung tâm dữ liệu (co-location) và dịch vụ quản lý trung tâm dữ liệu (data center management services), dự án mang tên Trung tâm Dữ liệu 1Hub sẽ được đặt tại tòa nhà Tower 7 của Khu phức hợp OneHub Saigon với tổng diện tích sàn xây dựng dự kiến trên 18.000 m2.
Dự án được thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của trung tâm dữ liệu cấp độ 3, dự kiến hoàn thành xây dựng và bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2025.
Tháng 11/2021, CTCP Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng và đối tác đến từ Singapore là Infracrowd Capital hợp tác đầu tư khu Trung tâm dữ liệu ở Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Theo ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, động lực chính đằng sau sự "leo thang" của nhu cầu về trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, là ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số quy mô lớn.
"Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa bao giờ quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu như hiện nay. Từ tháng 2 đến giữa tháng 4/2022, lưu lượng truy cập internet toàn cầu tăng gần 40%". Dữ liệu của Savills từ năm 2021 cho thấy nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số đã tăng lên đáng kể so với mức tăng trong thập kỷ trước. Riêng năm 2020, 59% dân số toàn cầu kết nối internet, trong khi đó năm 2010, con số này chỉ là 26%. Lưu lượng truy cập internet toàn cầu cũng tăng gấp 12 lần.
Hiện nay, hầu hết các thiết bị công nghệ đều được áp dụng với mục đích quản lý và giám sát. Theo Cisco Systems, các ứng dụng xuất hiện từ việc triển khai 5G cũng sẽ đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển 2 năm tới.
Đến năm 2026, quy mô của thị trường dữ liệu toàn cầu dự kiến sẽ đạt 251 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 4,5%. Báo cáo của Cisco Systems nhận định, dù nghe có vẻ kém hấp dẫn, nhưng các trung tâm dữ liệu đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư bất động sản.
Lý giải về điều này, báo cáo cho rằng, lĩnh vực này được coi là một khoản đầu tư an toàn, với mức lợi nhuận hấp dẫn. Tại các thị trường lớn trên toàn cầu, lợi suất dao động trong khoảng 4-12%. Dự kiến đến năm 2026, thị trường trung tâm dữ liệu Đông Nam Á sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 8%.
Báo cáo mới nhất do ResearchAndMarkets phát hành vào cuối năm 2021 đánh giá rằng, trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam có thể thuộc top 10 thị trường mới nổi về hệ thống trung tâm dữ liệu toàn cầu. Báo cáo chỉ rõ, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đạt khoảng 858 triệu USD vào năm 2020 và dự đoán sẽ đạt tốc độ CAGR là gần 15% vào năm 2026.
Hiện nay, Việt Nam có chưa đến 30 trung tâm dữ liệu, tất cả đều ở các thành phố lớn. Viettel IDC đang nắm giữ thị phần trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam, với 5 trung tâm dữ liệu đã được đưa vào vận hành, tổng diện tích 25.000m2.
Số liệu từ Viettel IDC cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam trong 3 năm qua vào khoảng 40-45%, trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân trên toàn thế giới là 29%. Dự kiến đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam sẽ duy trì ở mức 40%, trong khi mức trung bình toàn cầu được dự báo là khoảng 25-29%.