Nhiều phụ huynh ở Việt Nam nghĩ rằng, con cái họ có thể có cuộc sống tốt hơn, nếu học tiếng Anh để kiếm việc làm. Thay vào đó, Hoa, cô gái có bố mẹ làm nông, chọn tiếng Trung và hiện đang học năm cuối đại học tại Việt Nam. Đây đúng là "thời điểm vàng" cho cô ấy.
Từ các nhà cung cấp của Apple, như Foxconn và GoerTek, đến các nhà sản xuất lốp xe và hàng dệt may, sự bùng nổ đầu tư từ Trung Quốc đã đổ bộ vào Việt Nam, tạo ra một cuộc "tranh giành" nhân tài nói tiếng Trung.
Nhu cầu tăng cao đối với nhân viên Việt Nam biết nói tiếng Trung là hệ quả của việc các nhà máy rời Trung Quốc đến Việt Nam. Chi phí và rủi ro cao hơn ở Trung Quốc, bao gồm cả cuộc chiến thương mại với Mỹ, đã thúc đẩy các công ty từ nhiều quốc gia chuyển hướng. Nhưng trong số các nhà đầu tư lớn của Việt Nam, Trung Quốc có bước nhảy vọt lớn nhất - đầu tư lũy kế của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
"Ban đầu tôi học tiếng Trung đơn giản vì thích", Hoa nói. "Nhưng bây giờ mục tiêu của tôi rõ ràng hơn. Khi tôi tìm kiếm trên mạng, có rất nhiều công việc khác nhau ... từ Bắc chí Nam".
Khi tốt nghiệp, có lẽ Hoa sẽ cảm thấy bối rối khi đứng trước rất nhiều cơ hội việc làm.
Một báo cáo gần đây từ Navigos cho biết, khi các công ty có hoạt động tại Trung Quốc mở rộng sang Việt Nam, họ "gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự có chất lượng chuyên môn cao và [thông thạo] tiếng Trung Quốc". Navigos nói với Nikkei Asia, các nhà sản xuất trong lĩnh vực điện thoại thông minh, tai nghe và các thiết bị điện tử khác là những bên gặp khó khăn nhiều nhất trong việc tuyển dụng.
Nikkei đã theo dõi các quảng cáo tuyển dụng trên VietnamWorks trong tháng qua. Kết quả cho thấy lượng quảng cáo tìm kiếm người nói tiếng Trung tăng 55%.
Các nhà cung cấp của Apple là Wistron, Pegatron và Compal thường có mặt trong danh sách tuyển dụng mọi vị trí, từ kỹ sư, quản lý dây chuyền đến kế toán.
Theo yêu cầu của Apple và các khách hàng khác, các nhà lắp ráp AirPod chính là Luxshare và GoerTek đang tích cực mở rộng tại Việt Nam. Mới đây, GoerTek đã có kế hoạch rót thêm 400 triệu USD và thuê thêm 30.000 công nhân ở Nghệ An.
Filippo Bortoletti, Giám đốc Dezan Shira tại Việt Nam, một công ty tư vấn có 12 văn phòng tại Trung Quốc, cho biết: "Khi [các nhà đầu tư] đến đây, họ muốn làm việc bằng ngôn ngữ của họ. Thật khó để làm hài lòng họ".
Khách hàng của ông bao gồm các nhà sản xuất đồ chơi và điện tử Trung Quốc, những người tìm kiếm lời khuyên trong việc chuyển đến Việt Nam.
Hai nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong suốt thập kỷ qua là Hàn Quốc và Nhật Bản - vì vậy tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng xuất hiện nhiều trong các tin tuyển dụng.
Nhưng nhu cầu đối với người nói tiếng Trung đã tăng lên, vì Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong thời gian vừa rồi liên tục thăng hạng trong top 10 theo đầu tư lũy kế, đạt vị trí thứ 7 vào năm 2021, tăng từ vị trí thứ 9 vào năm 2015, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam. Trong 5 năm, khoản đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 102,8%, đây là bước nhảy lớn nhất trong top 10.
Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc mới đây là động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp đến Việt Nam. Nhưng trước đó, các nhà sản xuất hàng may mặc đã đến Việt Nam mong được hưởng lợi từ CPTPP.
Ông Chien Chih Ming, Chủ tịch Phòng Thương mại Đài Loan - Việt Nam cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có một lượng lớn các công ty Trung Quốc đại lục và Đài Loan đầu tư vào Việt Nam. Các ngành như dệt may và giày dép thì tôi vẫn thấy họ thích thuê những người biết tiếng Trung hơn".
Tuy nhiên, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến, đặc biệt là trong các doanh nghiệp công nghệ cao. Ngược lại, cũng có nhu cầu với lao động Trung Quốc biết tiếng Việt, ông Ming nói thêm.
Việc di dời sang Việt Nam từng giảm nhẹ vào mùa hè năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, nhưng các nhà đầu tư đang quay trở lại ở mức ổn định, con số còn khiêm tốn nhưng đang tăng lên.
Ông Bortoletti nói trong một cuộc phỏng vấn: "Không chỉ vì thuế quan mà còn vì chuyên môn ở Việt Nam hiện nay rất tốt".