ZTE, một tập đoàn công nghệ lớn khác của Trung Quốc, từng điêu đứng và đối mặt nguy cơ sụp đổ sau khi lọt vào tầm ngắm của Mỹ trong cuộc điều tra tương tự Huawei. Điều đáng nói là trong ván cờ lần này, người ta thấy thấp thoáng bàn tay của ZTE - "kỳ phùng địch thủ" với Huawei.
Bí ẩn công ty F7
Khi "nữ tướng" của Huawei Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) bị bắt giữ ở TP Vancouver - Canada hôm 1-12-2018 và đối mặt nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ, nhiều người nhớ tới một bộ hồ sơ mà Bộ Thương mại Mỹ đã thu giữ và công bố khi đang điều tra, sau đó dẫn tới những trừng phạt đối với ZTE hồi đầu năm.
Hồ sơ này nêu chi tiết một số đường đi nước bước của ZTE trong các hoạt động đã khiến tập đoàn này gặp rắc rối với Mỹ. CFO của ZTE đã bị bắt giữ tại sân bay Logan ở TP Boston - Mỹ vào năm 2016 giữa lúc tập đoàn này bị Mỹ điều tra cáo buộc bán các sản phẩm có yếu tố trí tuệ Mỹ cho một số quốc gia bị cấm vận.
Hồ sơ nêu trên là một tài liệu nội bộ (bằng chữ Hoa) của ZTE ghi ngày 25-8-2011, bao gồm các đề xuất chi tiết về cách thức lách luật cấm vận của Mỹ đối với Iran, Sudan, Triều Tiên, Syria và Cuba; cũng như cách qua mặt các biện pháp trừng phạt một phần đối với Ethiopia và Myanmar.
Hồ sơ được giới chức lãnh đạo cấp cao của ZTE phê duyệt vào đầu tháng 9-2011 này đã trở thành bằng chứng chống lại chính tập đoàn, khiến nó không những bị phạt hàng tỉ USD mà còn phải thay đổi toàn bộ cách thức quản lý. Phần II, mục 5 của hồ sơ này khiến nhiều người tò mò, đề cập một công ty có mật danh F7.
F7 được mô tả cũng hoạt động tích cực trong các giao dịch kinh doanh. Theo đó, F7 sử dụng một công ty công nghệ thông tin (IT) có uy tín làm bình phong để ký các hợp đồng với khách hàng ở những nước bị Mỹ trừng phạt. ZTE còn thu thập thông tin cạnh tranh về các chuyên gia và luật sư được F7 tuyển dụng để xử lý những thương vụ lách cấm vận xuất khẩu.
Hồ sơ chỉ ra F7 đã tuyển mộ một chuyên gia cấp cao về xuất khẩu đến từ Tập đoàn Texas Instruments và một luật sư người Mỹ gốc Hoa rành về luật xuất khẩu Mỹ. F7 đã tìm được các đối tác đáp ứng tiêu chí của mình là những công ty độc lập, có thể thay mặt công ty làm ăn tại những nước bị Mỹ cấm vận.
"Năng lực tài chính và khả năng giảm thiểu rủi ro của F7 là rất mạnh so với tập đoàn chúng ta" - tài liệu của ZTE thừa nhận. Tuy nhiên, ZTE cho rằng các hoạt động "láu cá" của F7 với các nước bị cấm vận gây tổn hại tới nỗ lực mở rộng ở Mỹ của tập đoàn này.
Bà Meng Wanzhou (giữa) rời khỏi nhà cùng một số người bạn tại Vancouver - Canada hôm 10-1. Ảnh: BLOOMBERG
Đánh cắp bí quyết thương mại?
Dù giới chức ZTE từ chối mở lời và Huawei cũng không muốn đưa ra bình luận, danh tính của F7 không khó để nắm bắt.
Tài liệu của ZTE cho biết vào năm 2010, F7 tìm cách mua một công ty Mỹ có tên là 3Leaf nhưng vấp phải sự phản đối của giới chức Washington. Trong khi đó, đúng năm này, Huawei cũng đạt thỏa thuận mua phần lớn tài sản của 3Leaf nhưng buộc phải từ bỏ thương vụ vào tháng 2-2011 vì sự chống đối của các quan chức Mỹ.
Tài liệu của ZTE còn cho biết F7 liên doanh với công ty an ninh kỹ thuật số Symantec của Mỹ. Điều "trùng hợp" là Huawei cũng liên doanh với Symantec trước khi công ty này bị giải thể năm 2012.
Tháng 4-2017, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục gửi trát đến Huawei với yêu cầu tương tự, đòi tập đoàn này phải chỉ đích danh những cá nhân đứng đằng sau các giao dịch với những nước bị cấm vận. Giới chức lập pháp Mỹ cũng tiếp tục gây sức ép lên Bộ Tài chính, yêu cầu công khai danh tính và điều tra toàn diện đối với F7. Đúng một năm sau, vào tháng 4-2018, báo giới Mỹ đồng loạt đưa tin Bộ Tư pháp nước này chính thức điều tra Huawei với cáo buộc vi phạm các lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đối với Iran.
Trong một diễn biến mới nhất, báo Wall Street Journal hồi tuần rồi đưa tin phía Washington được cho là sẽ sớm công bố một bản cáo trạng liên quan tới vụ điều ra nghi vấn Huawei đánh cắp bí quyết thương mại của các công ty Mỹ mà phía công tố đang tiến hành điều tra.
Cuộc sống quản thúc khác thường
Cuộc sống hiện tại của bà Meng Wanzhou - sau khi được bảo lãnh tại ngoại với 7,5 triệu USD trong phiên tòa hôm 11-12-2018 - được mô tả là tương đối thoải mái và nhẹ nhõm. Người phụ nữ 47 tuổi, con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei, sống trong căn biệt thự trị giá 4,2 triệu USD tại khu Dunbar, TP Vancouver. Điều kiện tại ngoại gắn liền với một số ràng buộc như phải đeo thiết bị định vị 24 giờ, luôn có nhân viên an ninh đi kèm, không được ra khỏi nhà từ 23 giờ đến 7 giờ... Thế nhưng, cuộc sống bị quản thúc của bà Meng được cho là có phần được "ưu ái" với những cuộc mua sắm và ra ngoài ăn tối. Theo một cựu cảnh sát địa phương, đó là điều "thường không thấy ở những trường hợp tương tự".
"Nữ tướng" Huawei dự kiến dành thời gian chờ đợi phiên tòa xem xét quyền dẫn độ từ Mỹ để học lấy bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH British Columbia gần nhà. Dự kiến, phiên tòa xem xét quyền dẫn độ bà Meng theo yêu cầu từ Mỹ sẽ diễn ra cuối tháng 1 này.