Hai quan chức cấp cao Ả Rập Saudi tiết lộ với Reuters rằng trong số những người sa lưới pháp luật có Hoàng tử Alwaleed bin Talal - một trong những doanh nhân, tỉ phú nổi tiếng nhất của Ả Rập Saudi và là nhà đầu tư của các công ty tên tuổi như Citigroup, Twitter, Apple. Ngoài ra, Hoàng tử Miteb bin Abdullah, Chỉ huy Lực lượng Vệ binh quốc gia, bị bắt và thay thế bởi Hoàng tử Khaled bin Ayyaf. Động thái này được cho là trao thêm quyền kiểm soát các cơ quan an ninh cho Thái tử Mohammed.
Hàng loạt vụ bắt giữ nói trên diễn ra sau khi Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud ra lệnh thành lập ủy ban chống tham nhũng mới do con trai là Thái tử Mohammed đứng đầu. Ủy ban mới này được trao nhiều quyền lực trong việc điều tra, ra lệnh bắt giữ, hạn chế đi lại và đóng băng tài sản. Sắc lệnh hoàng gia nhấn mạnh Ả Rập Saudi sẽ không thể tồn tại nếu nạn tham nhũng không bị diệt trừ tận gốc và những kẻ tham nhũng phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng "cuộc thanh trừng" nói trên không chỉ nhằm chống tham nhũng mà còn loại bỏ bất kỳ sự chống đối tiềm tàng nào đối với Thái tử Mohammed trong bối cảnh ông đang thúc đẩy một chương trình cải cách đầy tham vọng và gây tranh cãi. Một chuyên gia giấu tên tại một ngân hàng lớn ở vùng Vịnh nói với Reuters rằng không ai ở Ả Rập Saudi tin rằng tham nhũng là nguyên nhân gốc rễ của vụ thanh trừng.
Một số nhân vật nổi bật khác bị bắt giữ là Bộ trưởng Kinh tế Adel Fakieh, Hoàng tử Turki bin Abdullah (cựu Thống đốc Riyadh), Khalid al-Tuwaijiri (người đứng đầu Tòa án Hoàng gia dưới thời cố Quốc vương Abdullah), cựu Bộ trưởng Tài chính Ibrahim al-Assaf, Bakr bin Laden (Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Saudi Binladin), Alwaleed al-Ibrahim (ông chủ mạng truyền hình MBC)…
Tác động của vụ thanh trừng khiến thị trường chứng khoán Ả Rập Saudi giảm điểm ngày 5-11. Đáng chú ý, chỉ số TASI có lúc giảm đến 1,5% trong vòng 8 phút. Riêng cổ phiếu của Công ty Đầu tư Kingdom Holding, do Hoàng tử Alwaleed làm chủ, trượt 9,9%.