Toàn cảnh thị trường cá tra đầu năm 2018 - Bước chuyển mình đầy ngoạn mục
Phát đi nhiều dấu hiệu tích cực kể từ thời đểm cuối năm 2017, tính đến tháng 3 năm nay toàn ngành cá tra nước ta vẫn đang trên đà đón bình minh trở lại. Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra có diễn biến tốt với giá nguyên liệu đạt mức cao kỷ lục do thị trường xuất khẩu ổn định, dao động từ 28.000-29.500 đồng/kg.
Có nhiều lý do được đưa ra cho kết quả khả quan trên, tuy nhiên động lực chủ yếu có lẽ đến từ bước xoay chuyển của doanh nghiệp trước thế cờ trước khó khăn tư thị trường EU, Mỹ. Theo đó, mặc dù 2 khách hàng lớn trên vẫn vô cùng khó tính, song ngành cá tra nước ta bước đầu đạt mức tăng trưởng đáng kể từ các quốc gia khác, đặc biệt Trung Quốc với dự báo sẽ là quốc gia xuất khẩu chính đến cuối năm nay.
Phân tích sâu, sự chuyển dịch trên thực tế đã thể hiện rõ trong năm 2017, khi 11 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chính thức vượt EU và Hoa Kỳ để giành ngôi vị quán quân với 373.350 triệu USD, tương đương 22,9%. Kết thúc năm 2017, con số tỷ trọng này tiếp tục tăng lên mức 23%, cùng với đó; và không chỉ riêng Trung Quốc mà một số quốc gia tiềm năng khác như Thái Lan, Brazil, Mexico cũng đang dần thay thế 2 thị trường truyền thống trước đây.
Dự báo cho cả năm 2018, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, đồng thời kỳ vọng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam có thể đạt khoảng 1,85 tỷ USD.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trương Lệ Khanh - Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) cũng từng đồng tình với quan điểm Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng trong nhiều năm tới, nhất là ở phân khúc các nhà hàng, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh... Tuy nhiên, bà Khanh vẫn nhấn mạnh Trung Quốc cũng là thị trường rất quan tâm về mặt chất lượng. Được biết, trên vai trò anh cả trong ngành, Vĩnh Hoàn năm nay đặt trọng tâm chuyển dịch xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ Latinh.
Trở lại câu chuyện thị trường đang hào hứng, thì ngày 17/3 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đột ngột ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1/8/2015 - 31/7/2016) với mức thuế tăng khủng. Trong đó, 9 doanh nghiệp thuộc nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt (gồm Godaco, Caseamex, Cuu Long Fish, Dai Thanh Seafoods, Green Farms, Hung Vuong Group, NTSF Seafoods, Southern Fishery, Vinh Quang Fisheries) phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 USD/kg.
Chưa dừng lại, mức thuế chống bán phá giá còn được Mỹ áp cao ngất ngưỡng đối với 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods lên tới 7,74 USD/kg. Đây được xem là mức thuế cao nhất từ trước đến giờ, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam.
Trước bối cảnh này, câu hỏi đặt ra liệu vẫn trên vai trò mang tính chi phối thị phần xuất khẩu, Mỹ sẽ tác động như thế nào và bao nhiêu lên bức tranh ngành cá tra thời gian đến? Chưa kể, tính trên vi mô từng doanh nghiệp thì lợi nhuận chỉ vừa chớm tăng; giá cổ phiếu nhiều đơn vị dù đi lên song động lực từ kinh doanh phản ánh còn ít (đâu đó vẫn do những câu chuyện tài chính hỗ trợ); thì những công ty trong ngành có đủ vững vàng để tiếp đà tăng trưởng?
Doanh nghiệp "chớm" ăn mừng lãi lớn, cổ phiếu vẫn chưa hưởng lợi hoàn toàn
Điểm qua về kết quả kinh doanh một số đơn vị cá tra chủ chốt giai đoạn 2013-2016, có thể thấy rằng khó khăn về xuất khẩu đã khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm tốc. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây bối cảnh bắt đầu đảo chiều trước việc thị trường khả quan trở lại.
Theo ghi nhận có Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I (IDI) năm 2017 bất ngờ đạt lợi nhuận gấp 3,5 lần so với 2016 lên 354 tỷ đồng. Phía IDI cho biết, sở dĩ ghi nhận lãi cao do quý 4/2017 là thời điểm giá cá tra nguyên liệu tăng kỷ lục so với mọi năm, trong khi Công ty có nguồn cung nguyên liệu mạnh từ hình thức nuôi liên kết và chốt giá trước với hộ nông dân ở mức 20.000-21.000 đồng/kg. Nhờ vậy, IDI đã thu lời 8.000 đồng/kg cá tra so với giá mua trên thị trường, khiến lợi nhuận gộp quý cuối năm tăng vọt 162%.
Hay ông lớn Vĩnh Hoàn (VHC) với đạt 8.173 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 10,9% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế 2017 VHC đạt 593 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu đạt 299 triệu USD. Tiếp tục kỳ vọng vào thị trường, Công ty đặt kế hoạch năm 2018 với mục tiêu doanh thu thuần ước đạt 9.300 tỷ đồng; tương ứng mức lãi ròng 650 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2017. Cùng với đó, mặc dù chưa thực sự rõ ràng song một số đơn vị còn lại như Xuất Nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), CTCP Nam Việt (ANV)… vẫn ghi nhận lãi ròng đáng kể.
Trên thị trường, cổ phiếu những công ty niêm yết này tương ứng tăng giá mạnh, đa số hồi phục về xấp xỉ vùng giá cũ.
Biến động cổ phiếu VHC, IDI, ANV, ABT 6 tháng qua
Ở chiều ngược lại, thị trường vẫn còn đó những cái tên tiếp tục thua lỗ. Đáng chú ý là "vua cá tra" một thời là Hùng Vương (HVG) chịu lỗ đến 705 tỷ đồng cuối năm 2017 do kinh doanh dưới giá vốn, đây là hệ lụy nặng nề của khủng hoảng thị trường nhiều năm liền, trong khi chính HVG cũng chưa có lời giải chắc chắn, trước mắt chỉ có thể cơ cấu lại công ty để xoay sở nguồn vốn. Tuy nhiên, nước cờ này bước đầu có hiệu quả khi HVG vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2018 (01/10-31/12/2017) với khoản lãi ròng hơn 25 tỷ nhờ thoái vốn tại công ty con.
Làm ăn sa sút trong năm 2017 còn có Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) thua lỗ 187 tỷ đồng sau kiểm toán do điều chỉnh tăng chi phí dự phòng khoản phải thu khó đòi từ khách hàng. Được biết, bước sa cơ của đơn vị này bắt đầu từ năm 2015 khi lợi nhuận sau thuế đột ngột lao dốc từ mức 72 tỷ về âm 3 tỷ đồng; năm 2016 có phục hồi nhẹ, ghi nhận 3 tỷ đồng lãi ròng.
Ghi nhận 6 tháng gần nhất, cổ phiếu 2 doanh nghiệp này vẫn loanh quanh tại mức đáy. Riêng HVG có dấu hiệu tích lũy khi quý 1 có lãi, thị trường đi lên, đây có thể là một điểm sáng cho nhiều cổ đông nắm giữ?