Hàng trăm triệu cổ phiếu “họ FLC”, trị giá vài nghìn tỷ đồng dư bán sàn vào cuối giờ chiều 13/1. Đây là phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp và khiến nhiều cổ đông nếm trải một cú sốc giảm giá hiếm có trong vài năm gần đây.
Tính đến cuối phiên giao dịch 13/1, cổ phiếu Tập đoàn FLC dư bán sàn hơn 59 triệu đơn vị; cổ phiếu xây dựng Faros (ROS) dư bán gần 99 triệu đơn vị; KLF dư bán hơn 31 triệu đơn vị; HAI dư bán hơn 19,5 triệu đơn vị; AMD dư bán gần 23,4 triệu đơn vị; ART dư bán hơn 14 triệu đơn vị và HAR dư bán hơn 3,3 triệu đơn vị.
Tổng cộng, nhóm cổ phiếu “họ FLC” dư bán khoảng 250 triệu đơn vị. Với mức giá mỗi cổ phiếu trên dưới 10 nghìn đồng (FLC giảm từ 24.000 đồng sáng 10/1 xuống còn 17.300 đồng cuối phiên 13/1), tổng giá trị dư bán sàn của nhóm này đạt khoảng 2.500 đồng.
Với mức giảm sàn và sát sàn 4 phiên liên tiếp, mỗi cổ phiếu đã mất khoảng 27-28%. Nếu tính vào thời điểm đỉnh sáng phiên 10/1, chỉ tính riêng các cổ đông đang bán tháo nhóm cổ phiếu “họ FLC” cũng đã mất khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nếu tính tất cả các cổ đông của nhóm cổ phiếu này (theo vốn hóa của các doanh nghiệp) thì con số mất mát lên gấp nhiều lần.
Vài nghìn tỷ dư bán sàn, nhóm cổ phiếu FLC khiến cổ đông mất nghìn tỷ |
Riêng như trường hợp FLC, doanh nghiệp này có gần 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Từ mức giá 24.000 đồng sáng 10/1, cổ phiếu này giảm còn 17.300 đồng/cp vào cuối phiên giao dịch 13/1. Mức mất giá lên tới gần 28%. Vốn hóa của doanh nghiệp này đã bốc hơi khoảng 4.800 tỷ đồng.
Trước đó, có những cổ phiếu dư bán sàn chỉ một vài triệu cổ phiếu nhưng cũng đã trải qua đợt giảm cả 5-7 thậm chí cả chục phiên sàn.
Một điểm đáng lưu ý, thanh khoản trong hai phiên gần đây của FLC và ROS ghi nhận giảm mạnh so với hai phiên 10-11/1.
Từ mức thanh khoản kỷ lục 135 triệu đơn vị hôm 10/1 và 155 triệu cổ phiếu hôm 11/1, FLC chỉ ghi nhận hơn 2,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên 12/1 và 826 nghìn đơn vị trong phiên 13/1.
Tương tự, ROS chỉ ghi nhận 1,5 triệu cổ phiếu giao dịch hôm 12/1 và 322 nghìn đơn vị chuyển nhượng trong phiên 13/1, sau khi khớp tới gần 99 triệu cổ phiếu trong phiên 11/1 và 56,5 triệu đơn vị giao dịch hôm 10/1.
Thực tế, trong phiên 10/1, ngoài số cổ phiếu giao dịch đối ứng với ông Trịnh Văn Quyết vẫn còn khoảng 60 triệu cổ phiếu FLC được mua bán bởi các nhà đầu tư với nhau, con số của phiên liền sau đó còn lớn hơn nhiều. Do vậy, nhiều người đang chứng kiến số tiền trên tài khoản chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều người mong bán tháo nhưng không thể vì bên dư mua luôn ở trong tình trạng trắng trơn, trong khi dư bán giá sàn chồng chất vài chục triệu đơn vị.
Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT chứng khoán SSI, cho rằng nên mọi người nên dành phần lớn danh mục của mình theo trường phái đầu tư giá trị, việc mua bán hô hào theo các đội nhóm rất rủi ro. Đây có thể xem là lời khuyên quý báu mà nhà đầu tư cần lưu ý để có thể tồn tại trên thị trường chứng khoán, nơi có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít "cạm bẫy".
Tìm cơ hội ở cổ phiếu blue-chips
Sau cú sốc cổ phiếu “họ FLC” và nhóm bất động sản quy mô vừa và nhỏ giảm mạnh, dòng tiền có dấu hiệu trở lại các cổ phiếu blue-chips, trong đó có nhóm ngân hàng.
Theo BSC, tuy trải qua một phiên điều chỉnh khá mạnh nhưng VN-Index vẫn đóng cửa trên đường MA20, chỉ số có lẽ sẽ tích luỹ và kiểm tra quanh ngưỡng 1.500 trong những phiên tới.
Trong khi đó, MBS cho rằng, cơ hội để quay lại nhóm bluechips. Theo đó, sau nhịp tăng khá mạnh đầu phiên, áp lực bán gia tăng mạnh đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh, dù nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, thép duy trì sự tích cực. Tín hiệu tích cực phiên này là dòng tiền vẫn mạnh mẽ ở các mã ngân hàng, độ rộng của rổ VN30 cũng ở mức trung tính. Đây là cơ hội để quay lại nhóm cổ phiếu bluechips khi biến động của thị trường đang khá cao. Việc thị trường rung lắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua trong khi nhóm bluechips cũng đã tạo được nền tích lũy kéo dài và khả năng giảm cũng sẽ ít hơn. Về kỹ thuật, vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn đối với chỉ số tại vùng 1.456-1.475 điểm.
Chốt phiên 13/1, chỉ số VN-Index giảm 14,46 điểm xuống 1.496,05 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 12,82 điểm xuống 460,83 điểm. Upcom-Index giảm 1,52 điểm lên 112,67 điểm. Thanh khoản đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, trong đó trên sàn HOSE đạt 30,8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà