Khảo sát từ các đơn vị nghiên cứu thị trường và cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến như Agoda và YouGov cho thấy TP.HCM nằm trong tốp 10 điểm đến được yêu thích của cộng đồng du lịch cá nhân ( Solo Travel ). Klook, nền tảng du lịch chuyên phục vụ thị trường khách du lịch cá nhân, cũng cho hay chỉ riêng tại thị trường châu Á, lượng khách du lịch cá nhân tăng từ 31% lên 38% vào năm 2018. Việt Nam và Thái Lan nằm trong nhóm quốc gia thu hút nhóm khách du lịch này. Bài toán đặt ra với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam là cần làm gì để khai thác thị trường hấp dẫn này.
Công ty Việt thất thế trước đối thủ ngoại
Nhận thấy mức độ tăng trưởng tích cực của xu hướng du lịch một mình, nhiều công ty du lịch trên thế giới đã tung ra hàng loạt tour dành riêng cho khách du lịch cá nhân bên cạnh việc cung cấp tour truyền thống. Ví dụ, Công ty Du lịch G Adventures (Canada) cung cấp khoảng 700 tour dành cho khách du lịch cá nhân đến 100 quốc gia với điểm đến được gợi ý nhiều nhất tại thị trường châu Á bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu và tư vấn giải pháp du lịch Outbox Consulting, cho biết du lịch cá nhân hướng người tham gia chủ động tìm hiểu, lựa chọn và tự quyết định toàn bộ sản phẩm dịch vụ sử dụng trong suốt chuyến đi của mình với trung tâm là các trải nghiệm cá nhân. Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng của xu hướng trên.
Ông Phước chỉ ra rằng xu hướng du lịch cá nhân luôn gắn với sự phát triển của các nền tảng công nghệ. Lý do là người du lịch cá nhân thường dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại, laptop hay máy tính bảng phục vụ cho chuyến đi hơn các loại hình du lịch khác. Vì vậy, thách thức đầu tiên đối với các công ty du lịch Việt Nam là phát triển công nghệ trong việc tiếp cận, tư vấn và cung cấp dịch vụ cho nhóm khách du lịch cá nhân.
“Hiện nay các dịch vụ đặt tour trực tuyến từ các công ty du lịch đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách du lịch cá nhân nhưng chưa đủ kỳ vọng của nhóm khách này. Vì đi một mình nên ngoài sự hỗ trợ từ công nghệ, khách còn quan tâm đến kinh nghiệm, an toàn và chi phí. Chính vì vậy, tại thị trường du lịch châu Âu, một số công ty không chỉ cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách du lịch cá nhân mà còn cung cấp cả về kinh nghiệm du lịch cá nhân thông qua các khóa học, hội thảo” - ông Phước dẫn chứng.
Cùng nhìn nhận trên, bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, đánh giá gần đây du lịch một mình thông qua việc đặt dịch vụ qua các app ngày càng phát triển. Du khách có thể dễ dàng đặt vé máy bay, phòng khách sạn, vé tham quan du lịch thông qua chiếc smartphone. “Các công ty nước ngoài đang đầu tư như vũ bão vào phân khúc này, do vậy nếu các đơn vị lữ hành trong nước không kịp theo xu hướng sẽ dễ dàng đánh mất khách hàng tiềm năng” - bà Giang lưu ý.
Số lượng người tham gia du lịch cá nhân tăng mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: TÚ UYÊN
Theo ông Trần Bình Giang, nhà sáng lập, Giám đốc sàn giao dịch du lịch trực tuyến tripi.vn, nếu so sánh về hạ tầng công nghệ thì rất ít công ty Việt có thể cạnh tranh được với các nền tảng công nghệ của các startup nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam như Klook, Kkday, Airbnb... Ngoài yếu thế hơn trong đầu tư công nghệ thì việc thiếu nguồn nhân lực vận hành hoặc về giá dịch vụ cũng khiến các công ty Việt bị cạnh tranh lớn.
“Mặt khác, các ông lớn nước ngoài không phải chịu nhiều nghĩa vụ thuế do các máy chủ đặt ở nước ngoài nên càng có lợi thế hơn so với công ty trong nước” - ông Trần Bình Giang phân tích.
Đừng ngại đối đầu
Lãnh đạo Saigontourist nhìn nhận trước xu hướng mới về du lịch một mình, muốn duy trì và phát triển, bắt buộc các công ty lữ hành Việt phải tự thay đổi để thích ứng với nhu cầu khách hàng. Nói cách khác, dù chậm hơn các công ty nước ngoài thì cũng phải thay đổi để tiếp cận được khách hàng.
“Những thay đổi này tạo nên sự phong phú chung cho thị trường du lịch trực tuyến và cũng tạo cơ hội cho những sản phẩm có bản sắc riêng, phù hợp với văn hóa người tiêu dùng trong nước” - đại diện Saigontourist nhấn mạnh.
Ông Trần Bình Giang cũng cho rằng dù các đại gia nước ngoài có lợi thế về công nghệ nhưng cũng gặp trở ngại khi vào thị trường Việt Nam. Bằng chứng là họ phải liên kết hợp tác với các công ty trong nước có đầy đủ hạ tầng công nghệ để cùng khai thác. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước đừng lo ngại phải đối đầu mà quan trọng là nắm bắt được xu hướng, vận hành công nghệ tốt thì sẽ khai thác tốt thị trường du lịch một mình.
“Điểm mạnh của các công ty du lịch Việt Nam chính là sự am hiểu thị trường và văn hóa bản địa. Dựa vào điểm mạnh này chúng ta có thể xây dựng hình thức và dịch vụ dành cho du lịch một mình phù hợp với người Việt khi xu hướng này gia tăng” - ông Giang nói.
Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu và tư vấn giải pháp du lịch Outbox Consulting Đặng Mạnh Phước gợi ý: “Doanh nghiệp du lịch Việt muốn khai thác hiệu quả thị trường du lịch cá nhân lâu dài cần hiểu được mong muốn của du khách cũng như nắm bắt trọn vẹn nhu cầu của phân khúc này. Đặc biệt là khả năng thấu hiểu khách hàng để từ đó linh hoạt đưa ra được các sản phẩm khác nhau phù hợp với từng đối tượng khách. Ngay cả khi khách mua tour qua mạng hay mua trực tiếp tại công ty thì các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ lữ hành cần đáp ứng được những đặc điểm trên để xây dựng sản phẩm du lịch và hưởng lợi từ xu hướng mới này” - ông Phước chia sẻ.
Du lịch độc hành tăng mạnh
Du lịch cá nhân hay còn gọi là du lịch độc hành đang trở thành một trong những xu hướng du lịch được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới trong những năm trở lại đây. Theo báo cáo của Google và Temasek, thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỉ USD, dự kiến năm 2025 sẽ tăng lên 9 tỉ USD.
Còn theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Agoda, có 61% người được khảo sát tiết lộ mục đích của các chuyến đi chơi một mình trên toàn cầu là để thư giãn và xả những căng thẳng. Trong khi đó, động lực này cho các chuyến đi cùng bạn bè chỉ chiếm 48%. Đồng thời, hai động lực khác để lựa chọn độc hành là thoát khỏi thói quen thường ngày và khám phá những nền văn hóa mới.