Vốn hoá HOSE bốc hơi 10,8 tỷ USD phiên 12/5
Áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên chiều 12/5 trong khi dòng tiền hờ hững với việc "bắt đáy" khiến cho chỉ số VN-Index rơi sâu. Chốt phiên giao dịch, VN-Index đã giảm 63 điểm về mức 1.238 điểm, trong khi VN30 giảm mạnh 70 điểm về mức 1.279 điểm. HNX-Index giảm tới 17,5 điểm, tương ứng 5,26%, UPCOM-Index cũng giảm 3,32%. Toàn sàn có tới 864 cổ phiếu giảm điểm, trong đó có 220 cổ phiếu giảm sàn.
Vốn hoá HOSE bốc hơi 249.000 tỷ đồng, tương ứng 10,8 tỷ USD trong phiên 12/5. Đây là mức giảm kỷ lục thế giới trong ngày 12/5.
Tác nhân khiến cho VN-Index rơi mạnh đó là nhóm cổ phiếu lớn như bank, chứng khoán, bất động sản, cổ phiếu trụ "nằm sàn" hàng loạt. Đây là các cổ phiếu có vốn hoá lớn, chi phối chỉ số VN-Index, nên khi giá rớt sâu sẽ tạo hiệu ứng lên chỉ số từ đó khiến hàng loạt nhóm cổ phiếu khác giảm sàn theo như thuỷ sản, bán lẻ, dầu khí, dệt may, bất động sản khu công nghiệp, phân bón,…
Các cổ phiếu nhóm bank giảm sàn: TCB, VPB, STB, BID, SHB, LPB, VIB.
Cổ phiếu chứng khoán cũng chung số phận tiếp tục giảm sâu: SSI, VND, VCI, MBS, VIX, HCM
Cổ phiếu bán lẻ sau đà tăng nóng vừa qua cũng lần lượt giảm sàn: FRT, VRE, DGW, PET…
Cổ phiếu thuỷ sản giảm sàn: VHC, CMX, IDI, ANV…
Ngoài ra nhóm phân bón (DCM, DPM), nhóm bất động sản (DIG, DRH, SCR, HDC, L14, CEO, KHG, PHR, HDG, DXG, DXS, BCM, TCH) cũng giảm sàn hàng loạt.
Đặc biệt, với nhóm cổ phiếu trụ như MSN, GVR, PLX, BVH, POW…cũng "nằm sàn" khiến VN-Index giảm sâu. VN30 còn duy nhất SAB giữ được sắc xanh.
Hàng loạt "sàn"
Thanh khoản VN-Index chỉ ở mức 15.775 tỷ đồng dù thị trường giảm sâu, tăng so với phiên trước đó song vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy lực cầu rất yếu ở vùng giá này nên không tạo nên một đợt hồi nào trong phiên. Dòng tiền khá hờ hững với việc "bắt đáy" giữa lúc bối cảnh vĩ mô thế giới và Việt Nam có nhiều biến động.
Dòng tiền chảy sang phái sinh giao dịch sôi động
Chứng khoán cơ sở giảm rất sâu nhưng dòng tiền vẫn hờ hững, trong khi đó chứng khoán phái sinh lại giao dịch rất sôi động. Trong phiên 12/5, thanh khoản của hợp đồng VN30F2205 lên tới 346.301 hợp đồng, số lượng hợp đồng mở mới đạt 35.366 hợp đồng. Tuy số hợp đồng mở mới không tăng nhưng thanh khoản lại tăng mạnh. Điều này chứng tỏ, nhà đầu tư liên tục đảo vị thế trong phiên. Giám đốc môi giới của Công ty Chứng khoán HSC, ông Bùi Văn Huy cho biết có những nhà đầu tư đảo vị thế 6-7 lần trong phiên. Tâm lý "gỡ lỗ" chuyển sang phái sinh là rất nguy hiểm.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ trên trang cá nhân rằng, thời gian gần đây thanh khoản thị trường cơ sở thấp kỷ lục còn thanh khoản thị trường phái sinh cao kỷ lục. Đây là dấu hiệu cho thấy sắp có một lớp nhà đầu tư F0 phái sinh ra đi mãi mãi. Mà ra đi trên thị trường phái sinh thì khó hồi lắm vì nó khác cơ sở không thể cầm mãi mãi được.
"Với thanh khoản thị trường cơ sở thấp kỷ lục thì những tay to phái sinh rất dễ chi phối chỉ số thị trường cơ sở. Chỉ cần dùng một ít lực là có thể tác động được chỉ số trên thị trường cơ sở rồi từ đó tác động mạnh lên chỉ số phái sinh. Phái sinh hiện nay quá nhiều nhà đầu tư non nớt nên cá mập sẽ rất thích giai đoạn này vì vậy nhà đầu tư đừng vì tham gỡ gạc cơ sở mà chuyển sang phái sinh quá mức thì sẽ mất sạch tiền không còn vốn mà gỡ lại trên thị trường cơ sở khi cơ hội đến đâu", ông Chung nói.
Những nguyên khiến VN-Index "đánh rơi"
Thứ nhất, thị trường tài chính thế giới từ chứng khoán đến tiền số đều giảm mạnh. Phiên 12/5, thị trường tiền số "rơi" rất mạnh. Trong phiên, có thời điểm Bitcoin chi còn 26.000 USD, trong khi nhiều đồng tiền số khác có biên độ giảm lên tới 94%. Về chứng khoán, thị trường tài chính châu Á, Âu và Mỹ đều chìm trong sắc đỏ. Tâm lý bi quan bao trùm thị trường tài chính toàn cầu từ đó ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư Việt. Đà giảm điểm vừa qua quá sốc với nhà đầu tư F0.
Thứ hai, dòng tiền không ủng hộ. Có thể thấy dù tăng hay giảm mạnh, thanh khoản thị trường đã sụt giảm rất mạnh chỉ còn loanh quanh 12.000-17.000 tỷ đồng/phiên trên VN-Index, thấp hơn mức 30.000 - 40.000 tỷ đồng/phiên của cuối năm 2021. Dòng tiền tỏ ra khá "hờ hững" với việc "bắt đáy" trong thời điểm hỗn loạn này.
Thứ ba, thế lực tạo ra con sóng thần của VN-Index từ năm 2020 đến nay là nhà đầu tư cá nhân với việc mua ròng hơn 80.000 tỷ đồng trong năm 2021 giờ đây đã nguội lạnh dần. Gần đây, nhà đầu tư cá nhân bán ròng từ tháng 4 đến nay lên tới gần chục ngàn tỷ đồng.
Thứ tư, SGI Capital mới đây đã đưa ra một nhận định về thị trường liên quan đến sức ép và tâm lý của nhà đầu tư thời điểm này. "Hiếm khi nào nhà đầu tư phải chịu nhiều nỗi lo cùng một lúc như hiện nay: từ áp lực lạm phát, lãi suất tăng, xung đột Ukraine, FED thắt chặt, Trung Quốc lockdown, tới siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát đầu cơ, hạn chế tín dụng bất động sản… Và hệ quả là chúng ta đang có mức định giá VN30F 2022 ở mức 11.x thấp hiếm thấy, gần tương đương các giai đoạn khủng hoảng. Kinh nghiệm nhiều năm của chúng tôi đầu tư trên thị trường chứng khoán cho thấy, tin xấu và sự bi quan luôn là bạn tốt của nhà đầu tư. Tin xấu càng nhiều, lo lắng và thận trọng càng lớn, định giá càng rẻ, và hiệu quả đầu tư sẽ càng cao", SGI Capital cho hay.
Nhà đầu tư than trời vì chứng khoán Việt giảm mạnh nhất thế giới
Khắp các diễn đàn, nhà đầu tư F0 bị sốc vì thị trường rơi quá nhanh, bất ngờ. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng mọi thành qua 2 năm gom góp đã "bốc hơi" hết, thậm chí nhiều người âm vào vốn gốc, "cháy tài khoản" do dùng margin cao.
Một số chia sẻ của các nhà đầu tư trên các diễn đàn dành cho nhà đầu tư chứng khoán:
"Ăn không dám ăn, quần áo không dám mua, tiết kiệm bao nhiêu đầu tư hết vào chứng khoán với ước mơ làm giàu vậy mà giờ đây -53% tài khoản. Tan nát cõi lòng"
"Thị trường quá đáng sợ, khốc liệt, cảm giác tiền bốc hơi nghi ngút trước tầm mắt mà không thể làm được gì"
"Cầu mong thị trường chứng khoán đừng giảm nữa, thảm thương quá rồi"