Dẹp loạn đầu cơ
Tình trạng sốt đất tại nhiều tỉnh thành phố thời gian qua đã đẩy giá bất động sản tăng chóng mặt. Căn nguyên được cho là xuất phát từ nạn đầu cơ, mua giữ đất, chờ giá lên bán lại kiếm lời. Điều này đang gây ra gánh nặng cho nền kinh tế, khiến cho giá đất tăng phi mã và không thể hạ, người có nhu cầu thực sự khó có cơ hội an cư, còn doanh nghiệp cũng khó tiếp cận thuê/mua mặt bằng để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Chuyên gia cho rằng đã đến lúc đánh thuế cao với người có nhiều nhà, đất để dẹp hiện tượng đầu cơ, sốt đất, giúp giá nhà, đất hạ nhiệt (ảnh Quốc Tuấn)
Về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc áp thuế là chính xác, nó không chỉ chứng minh bằng lý thuyết mà các thực tiễn, thông lệ quốc tế ở các nước đều cho thấy, giải pháp duy nhất để chống đầu cơ đất đai là thuế đất và thuế nhà ở.
Đường lối này đã được đặt ra kể từ Nghị quyết số 19 năm 2012, nhưng suốt từ đó chúng ta vẫn giữ nguyên luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, với tỷ suất thuế rất thấp là 0,03% và thu được một lượng tiền nộp cho ngân sách không đáng kể. Theo đó, Bộ Tài chính đã 5 lần trình sơ khởi về Luật thuế tài sản, có lần là nâng mức thuế đất lên cao hơn, hay đánh vào căn nhà thứ hai, có lần là đánh thuế cao vào người nhiều đất, nhiều nhà,... Điều đó là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết, nhưng rõ ràng chỉ ồn ã một hồi, báo chí tốn giấy mực xong rồi lại im ắng...
Thực tế, việc xây dựng một Luật thuế tài sản ở Việt Nam không phải xây dựng xong là có thể đánh thuế ngay, mà còn phải tùy vào tính đồng thuận của luật, hiệu quả của luật, lộ trình áp dụng luật là cả vấn đề lớn. Tuy nhiên, chúng ta cứ nói đến thuế tài sản là bắt đầu có nhiều ý kiến phản bác và những ý kiến đó gần như đạt được đồng thuận khá cao.
"Ở đây có một yếu tố tâm lý đánh vào lòng dân đó là, cứ nói cải cách thuế tài sản là nâng thuế lên cao, nhưng đó là tư duy không đúng. Nếu cứ nghĩ tăng thuế lên cao thì hoàn toàn là có "ý đồ xấu", bởi vì người nghèo làm sao nộp được thuế kể cả với mức thuế tỷ suất 0,03% như hiện nay cũng là khó khăn cho họ.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nội dung của Nghị quyết 18 lần này rất chính xác, chúng ta đánh thuế cao vào những trường hợp nhiều nhà, nhiều đất, có đất không sử dụng, sử dụng sai mục đích, nhưng bên cạnh đó khẳng định miễn giảm thuế đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội, miễn giảm thuế đối với những ngành nghề ở những khu vực phải đảm nhận trách nhiệm của Nhà nước như an ninh lương thực, bảo vệ môi trường,... Với tinh thần đó là cái sườn để người dân thấy rõ, không phải cứ xây dựng Luật thuế là tăng thuế", GS. Đặng Hùng Võ giải thích.
Hạ nhiệt giá nhà, đất
Cũng theo vị GS, một đất nước mà đầu cơ đất đai là chính thì hệ lụy sẽ rất lớn là đất đai tăng giá, người có thu nhập trung bình trở xuống rất khó tìm được nhà ở, đồng tiền mất giá. Đặc biệt, giá đất đầu vào của quá trình sản xuất tăng thì giá hàng hóa tăng dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp. Vì vậy chúng ta phải tính toán làm sao để giá đất ở Việt Nam hạ nhiệt, đảm bảo cho quá trình sản xuất với chi phí về đất thấp nhất.
Thuế là một công cụ điều tiết thị trường và chúng ta đang tính đến chuyện dùng thuế để điều tiết giá cả bất động sản, đất đai (ảnh Quốc Tuấn)
"Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tăng thuế lên thì giá bất động sản sẽ lên, nhưng tôi muốn nói ở đây là không phải tăng thuế, mà là tăng thuế với người đầu cơ, còn cả xã hội có thể giảm thuế.
Chúng ta không đánh thuế vào các dự án đầu tư bất động sản, vì ngay bản thân các dự án đầu tư bất động sản hiện nay đã chịu thuế VAT 10%, điều đó cũng cần phải xem lại, vì thuế VAT là thuế về hàng hóa tiêu dùng, trong khi bất động sản có phải hàng hóa tiêu dùng hay không? Nếu đánh thuế bất động sản nhà ở thì chắc chắn phải cắt thuế VAT vì không có chuyện thuế chồng thuế.
Thuế là một công cụ điều tiết thị trường và chúng ta đang tính đến chuyện dùng thuế để điều tiết giá cả bất động sản, đất đai. Vì vậy chúng ta phải đạt được mục đích điều tiết để giá giảm đi, chứ không phải điều tiết để giá tăng lên", vị GS phân tích.
GS. Đặng Hùng Võ
Chia sẻ về kinh nghiệm đánh thuế nhà ở tại nhiều nước trên thế giới, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, việc chuyển từ không đánh thuế nhà ở sang đánh thuế nhà rất cao là cả một câu chuyện dài.
Với cách nghĩ nhà là một thứ cần thiết cho con người, nên không đánh thuế vì đánh thuế nhà thì lập tức khả năng phát triển nhà ở kém đi, tương tự như cách nghĩ của chúng ta rằng đánh thuế cao làm cho giá nhà tăng. Tuy nhiên, có một số điểm đã được làm rõ như sau:
Thứ nhất, không đánh thuế vào nhà thì sẽ bị đầu cơ, bởi vì khả năng đầu cơ nhà ở là dễ nhất do nhu cầu con người sinh ra là cần nhà ở.
Thứ hai, tất cả mọi vật do con người làm ra thì đều có tuổi thọ, khi đưa vào sử dụng sẽ có khấu hao, tức là giá trị của nó sẽ giảm. Vậy nhưng nhà ở do con người xây mà giá trị không giảm, có khi lại tăng lên bởi giá thị trường tăng. Chính vì vậy, thuế đối với nhà ở phải được nghiên cứu kỹ, nhà được sử dụng vào mục đích gì thì áp dụng tỷ suất thuế bao nhiêu.
Thứ ba, ở nước ngoài còn đưa ra một kinh nghiệm là nhà để ở thì tượng trưng cho số lượng cư dân ở trong nhà đó, được tận dụng hạ tầng tiện ích công cộng tại nơi ở đó. Để phát triển hạ tầng cũng như tiện ích công cộng sẽ phải đánh thuế nhà, đó là câu chuyện rất đơn giản nhưng phải trải qua một thời gian khá dài mới có thể áp dụng đánh thuế.
"Việc đánh thuế bất động sản là việc không thể cưỡng lại, chúng ta không nên vì lợi ích của những người đầu cơ mà cản trở quá trình xây dựng sắc thuế này. Đáng chú ý, việc công khai minh bạch tài sản như thế nào, công khai thu nhập của người dân ra sao, hat giải trình tài sản để mua bất động sản là việc cần phải làm. Không thể một người mới 18 tuổi nhưng đã có dinh thự vài trăm tỷ đồng, đó là điều vô lý nên phải giải trình họ lấy đâu ra tiền để mua bất động sản đó. Đây là những biện pháp bổ sung cho thuế, chúng ta không chỉ cải cách thuế, nếu không làm những động tác khác thì cũng sẽ không giải quyết được vấn đề", vị GS nhấn mạnh.