Mới đây, Thủ tướng trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng đã nhắc đến vấn đề cần có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản; gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý có mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau. Phải điều tiết bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng…
Bày tỏ quan điểm đánh thuế những căn nhà, biệt thự bỏ không, không sử dụng là điều cần thiết, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, cần có lộ trình rõ ràng, cần đưa ra quy định cụ thể để lấy ý kiến rộng rãi để được sự đồng thuận của xã hội.
Theo ông, để có thể thực hiện được việc đánh thuế này cần nghiên cứu kỹ, đưa ra các giải pháp thỏa đáng nhưng lại không làm “gãy khúc”, “phanh gấp” trong quá trình phát triển của ngành xây dựng.
Chuyên gia cho rằng, đánh thuế biệt thự bỏ hoang là cần thiết nhưng cần làm rõ khái niệm ‘bỏ hoang’...
“Một dự án nhà ở phải đầu tư dài hạn, có thể kéo dài 3-5 năm, thậm chí 10 năm mới xong nên quá trình mua bán và hoàn chỉnh nhà ở cũng kéo dài, bởi nó liên quan đến hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật rất lớn. Nhiều khi người mua nhà nhưng lại phải chờ hạ tầng xã hội xong mới có thể ở được. Do đó, cần làm rõ khái niệm thế nào là ‘bỏ hoang’, rõ vấn đề ‘bỏ hoang’”, ông Điệp nói.
Phân tích thêm ông Điệp cho hay, khu có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tốt mà không ở thì rõ ràng không ở là ‘bỏ hoang’; còn những khu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được đấu nối thì người mua nhà chưa thể ở được.
Trao đổi với PV Infonet, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho rằng, câu chuyện thuế phải là câu chuyện đưa ra hệ thống thuế căn cơ, tức không chỉ đánh thuế vào những căn nhà người mua không sử dụng mà cần đánh thuế cả những người nhiều nhà đất.
“Có nhà mà không sử dụng đánh thuế cũng là hình thức để khỏi lãng phí, nhưng hệ thống thuế phải xây dựng căn cơ, có hệ thống”, ông Võ nói.
Theo quan điểm của GS Đặng Hùng Võ, nên tính theo từng cá nhân trong hộ gia đình, gia đình có bao nhiêu người thì hạn mức đánh thuế theo quy định hiện hành là ở mức 0,03%; còn nếu hạn mức thấp hơn thì có thể miễn thuế.
“Đánh thuế lũy tiến vào những trường hợp hạn mức đất ở nhiều gấp 2, 3 lần thì mới giải quyết được vấn đề. Gấp 3 lần thì mức đánh thuế phải cỡ như ở nước ngoài họ đánh thuế là 1%. Theo quy định hiện nay, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15%”, ông Võ cho hay.
GS Võ cho rằng, phải nâng bảng giá đất lên phù hợp thị trường, cải cách tỷ suất thuế và cách đánh thuế; phải làm đồng thời hai việc đó nhưng trên nguyên tắc trong hạn mức của mọi người dân.
“Đừng để tăng tỷ suất thuế cơ bản như đề xuất trước đây của Bộ Tài chính từ 0,03% lên 0,4% thì người dân có lý do để kêu”, ông Võ nói.
Theo ông Võ, những biệt thự ‘bỏ hoang’ không sử dụng thì đánh thuế với tỷ suất cao nhất. Đánh thuế để hoang là một việc, nhưng còn nâng tỷ suất của những người đầu cơ nhà đất, có nhiều nhà đất mà đã đưa vào sử dụng cũng vẫn phải đánh thuế.
Nếu chỉ đánh thuế nhà đất bỏ hoang thì lập tức tháng sau những căn nhà, biệt thự đang ‘bỏ hoang’ sẽ có người sử dụng ngay.
Trước đó, vào năm 2012, UBND TP Hà Nội cũng từng đề xuất Bộ Tài chính thực hiện việc đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu của nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Theo đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Tài chính cần có các mức thuế cụ thể áp dụng cho từng trường hợp, tùy theo thời gian bỏ hoang. Cụ thể, mức thuế áp dụng với biệt thự ‘bỏ hoang’ 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm mà biệt thự đó vẫn ‘bỏ hoang’ thì sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự.
Ngoài việc đánh thuế cao với mức tỷ lệ % dự kiến như trên, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính biệt thự bỏ hoang với chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt là 10 - 20 triệu đồng/căn. Đồng thời, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên.
Thế nhưng, hiện nay, mới chỉ có quy định đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15%, mà chưa có quy định nào đối với nhà, biệt thự ‘bỏ hoang’.
Để tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua om giữ không sử dụng… Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng cần điều tiết bằng cơ chế thuế. Liệu sắp tới, những khu biệt thự 'ma' có hết cảnh bỏ hoang nhiều năm?