Bộ tài chính đề xuất đánh thuế tài sản với nhà trên 700 triệu đồng (Ảnh minh họa)
Tại buổi họp báo chuyên đề về Dự án Luật thuế tài sản do Bộ Tài chính tổ chức chiều 13.4, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.
Đối với đất, ông Phạm Đình Thi cho biết, đối tượng chịu thuế tài sản đối với đất gồm đất ở (đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị), đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm), đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.
Với nhà và công trình xây dựng trên đất, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án lựa chọn đối tượng chịu thuế. Phương án 1: nhà ở, phương án 2: nhà và công trình thương mại, dịch vụ; nhà ở.
Bộ Tài chính cho biết, với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng. Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Với tất cả các phương án trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Ông Phạm Đình Thi (Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính) giải thích đề xuất tính thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng
Đánh giá về tác động của Luật thuế tài sản, ông Phạm Đình Thi chia sẻ, nhà ở là nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người. Vậy nên, Luật thuế tài sản sẽ tác động tới mọi người dân.
Việc tính giá trị của đất làm căn cứ tính thuế tài sản cũng không tính theo giá thị trường mà dựa trên bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố cung cấp hàng năm. Điều này phù hợp với Luật đất đai.
Đối với nhà, không thể xác định giá trị thực tế bởi cùng một cấp nhà, cùng một công xây dựng, hoàn thiện xong giữa mỗi ngôi nhà vẫn có sự chênh lệch. Vậy nên, cơ quan thuế tính theo suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành.
Giải thích với báo chí về mức đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng, ông Phạm Đình Thi phân tích, việc xác định ngưỡng không chịu thuế và chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp. Trong khi đó lại không điều tiết đối với giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.
Vì thế, Bộ Tài chính quyết định xác định ngưỡng không chịu thuế hay chịu thuế đối với nhà theo theo suất vốn đầu tư.
Ông Phạm Đình nói: “Đối với nhà, giá trị nằm chủ yếu ở phần đất. Ở TP.HCM, có căn nhà trị giá vài triệu USD, trong khi ở nông thôn có căn nhà chỉ trị giá 100 - 200 triệu đồng.
Chúng tôi đề xuất phương án tính thuế tài sản với nhà theo ngưỡng, tất cả mọi người bình quân như nhau. Tôi lấy ngưỡng theo giá trị là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng thì ai vượt phần giá trị nhà, trên ngưỡng phải nộp thuế. Dưới ngưỡng thì không phải nộp thuế.
Việc kiểm soát vừa đơn giản, vừa thuận tiện bởi giá trị nhà xác định theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng. Trong đó, đã quy định rõ nhà cấp 1, 2, 3, 4 hay biệt thự ở ngưỡng bao nhiêu tiền. Chúng sẽ tôi dựa vào cấp, hạng nhà để tính thuế”.
Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu hoặc 1 tỷ trở lên thì những nhà có giá trị dưới mức này không bị đánh thuế, đó là người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, không điều tiết với nhà đơn sơ, thiếu kiên cố, nhà cấp 4, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp 2.