Thông tin Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế đối với nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị đánh thuế tài sản ở mức 0,3% (phương án 1) 0,4% (phương án 2) đang được dư luận đặc biệt chú ý. Nếu sắc thuế này được thông qua sẽ tác động đến hàng triệu gia đình có nhà trên 700 triệu đồng hiện nay.
Chia sẻ với Dân Việt về việc này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, việc đánh thuế đối với nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng cần phải xem xét lại để đưa ra một sắc thuế phù hợp với đối tượng, với sự phát triển của nền kinh tế và của công cụ quản lý kiểm soát hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam.
Phân tích về việc đánh thuế này, ông Thành cho rằng, có 3 vấn đề phát sinh từ việc đánh thuế với nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng. Cụ thể:
Vấn đề thứ nhất là đánh thuế đó nhằm mục đích gì trong sắc thuế này? Nếu đặt vấn đề không đúng thì đưa ra sắc thuế đó cũng sai lệch. Ví như tài sản 700 triệu đồng trở lên là tài sản mà số đông người trong xã hội đang sở hữu, dù có những người không đủ điều kiện thuộc đối tượng bị đánh thuế.
Tuy nhiên trong tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam với GDP tăng trưởng như thời gian vừa qua thì sở hữu tài sản nhà trên 700 triệu đồng không còn là dạng quý hiếm nữa.
Như vậy, đánh thuế tài sản vào đối tượng đại trà như thế là chúng ta đang hướng tới tận thu nguồn thu mà không phải để làm gia tăng GDP và còn làm trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Đánh thuế tài sản là một phương thức điều tiết thì mục đích điều tiết ở đây là gì? Điều tiết từ người có thu nhập cao, có tài sản cao để lấy nguồn đó sử dụng cho những mục đích xã hội khác thì tốt nhưng đây là tác động đến phần đông xã hội thì điều tiết đó cần phải xem xét lại. Phải nhấn mạnh rằng với ngưỡng thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng trở lên thì đối tượng là những ai?
Việc đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng đã cần thiết?
Vấn đề thứ hai là trong điều kiện hiện nay, việc đặt ra đánh thuế tài sản đã thích hợp chưa? Ở nhiều quốc gia đã áp dụng việc đánh thuế khi nền kinh tế đã phát triển ở tốc độ nào đó, thu nhập đời sống đạt được ở mức cao. Xét trong điều kiện của Việt Nam nói chung, kinh tế hiện nay vẫn còn đang nhiều khó khăn, vẫn tồn tại những bất cập về việc làm cho xã hội, lao động dư thừa...
Chúng ta đặt vấn đề đánh thuế nhà ở vào lúc này tôi cho rằng chưa phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng đó chưa phải là khởi sắc để đi đến việc đánh thuế tài sản.
Vấn đề thứ ba là chúng ta có kiểm soát được giá trị tài sản này hay không bởi trong hệ thống quản lý của chúng ta hiện nay dựa hoàn toàn vào tự khai. Từ chỗ thu nhập thực tế rồi chuyển hóa thành tài sản còn phải trải qua rất nhiều chặng đường và cả chặng đường đó phải được kiểm soát theo hệ thống.
Có một điều hiện vẫn tồn tại những mâu thuẫn như có thể người sở hữu tài sản hàng chục tỷ nhưng người đó còn ở tuổi vị thành niên thì có đánh thuế họ không? Vậy đối tượng nào sẽ mới phải chịu đánh thuế, có kiểm soát được thu nhập không, kiểm soát được sở hữu giá trị tài sản theo một chuẩn mực nào không?
Đến nay, chúng ta vẫn còn thiếu các chuẩn mực, thiếu công cụ, thiếu chế tài để kiểm soát. Khi chúng ta chưa có được những thứ đó mà đã đánh thuế thì chắc chắn sẽ làm nảy sinh các xung đột xã hội, gây mâu thuẫn giữa người áp mức thuế và người phải chịu mức thuế. Tất yếu sẽ xảy ra nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình ai phải chịu thuế và ai không phải chịu thuế?”.