Như VnEconomy đã đưa tin, Bộ Tài chính đã chính thức công bố Dự thảo dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế loạt các tài sản như đất ở, đất sản xuất, đất kinh doanh phi nông nghiệp; nhà ở và công trình thương mại dịch vụ; tàu bay, du thuyền, ôtô.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị lấy ngưỡng nhà ở không chịu thuế là 700 triệu đồng, phương án thuế suất là 0,4%. Còn ôtô được xác định tính thuế tài sản khi có giá trên 1,5 tỷ đồng.
Với phương án áp dụng 0,4% trên, số thu thuế tài sản được Bộ Tài chính tạm tính mỗi năm lên tới 31.000 tỷ đồng
90% nhà nông thôn dưới ngưỡng chịu thuế
Đánh giá về tác động của Luật thuế tài sản trên, ông Phạm Đình Thi chia sẻ, nhà ở là nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người. Vậy nên, Luật Thuế tài sản sẽ tác động tới mọi người dân.
Việc tính giá trị của đất làm căn cứ tính thuế tài sản cũng không tính theo giá thị trường mà dựa trên bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố cung cấp hàng năm.
Đối với nhà, không thể xác định giá trị thực tế bởi cùng một cấp nhà, cùng một công xây dựng, hoàn thiện xong giữa mỗi ngôi nhà vẫn có sự chênh lệch. Vậy nên, cơ quan thuế tính theo suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành.
Giải thích về mức đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng, ông Phạm Đình Thi phân tích, việc xác định ngưỡng không chịu thuế và chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp. Trong khi đó lại không điều tiết đối với giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.
Vì thế, Bộ Tài chính quyết định xác định ngưỡng không chịu thuế hay chịu thuế đối với nhà theo theo suất vốn đầu tư.
"Đối với nhà, giá trị nằm chủ yếu ở phần đất. Ở Tp. HCM, có căn nhà trị giá vài triệu USD, trong khi ở nông thôn có căn nhà chỉ trị giá 100 - 200 triệu đồng. Chúng tôi đề xuất phương án tính thuế tài sản với nhà theo ngưỡng, tất cả mọi người bình quân như nhau. Tôi lấy ngưỡng theo giá trị là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng thì ai vượt phần giá trị nhà, trên ngưỡng phải nộp thuế. Dưới ngưỡng thì không phải nộp thuế.
Với mốc 700 triệu đồng thì đại bộ phận có thể trên 90% toàn bộ nhà nông thôn không thuộc đối tượng hay nói là dưới ngưỡng đánh thuế", ông Thi nói.
Ông Thi cho hay, việc kiểm soát đánh thuế đơn giản, thuận tiện bởi giá trị nhà xác định theo suất đầu tư của Bộ Xây dựng. Trong đó, đã quy định rõ nhà cấp 1, 2, 3, 4 hay biệt thự ở ngưỡng bao nhiêu tiền. Bộ Tài chính sẽ dựa vào cấp, hạng nhà để tính thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng trở lên thì những nhà có giá trị dưới mức này không bị đánh thuế, đó là người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình, không điều tiết với nhà đơn sơ, thiếu kiên cố, nhà cấp 4, không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp 2.
Bộ này cũng nhận định việc áp dụng thuế tài sản với đất, nhà ở tác động không đáng kể đến thị trường bất động sản bởi mức 0,3% - 0,4% là khá thấp. Tuy nhiên, với nhiều nhà ở vị trí đắc địa thì phải nộp thuế rất cao vì đắc địa thì bản thân đất đã sinh lời lớn. Chẳng hạn, nhà 100m2 ở ngay Trần Hưng Đạo giá cho thuê một tháng đã rất lớn.
Trả lời câu hỏi vì sao đất không thuộc sở hữu của cá nhân lại bị đánh thuế tài sản, ông Thi cho biết đã từng đưa ra nghiên cứu, thảo luận vấn đề này.
"Ở đây, nói về quyền sử dụng đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dài hạn cho các doanh nghiệp, cá nhân.
Trong Luật này, chúng tôi quy định kể cả đất lấn chiếm, anh cũng phải nộp thuế. Điều này có mới không? Tôi xin nói là không mới. Nhưng trong Luật cũng nêu, thu thuế không có nghĩa là xác định quyền sở hữu hợp pháp. Thuế phải nộp ở đây là anh sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình xã hội, lợi ích công cộng thì anh có nghĩa vụ phải đóng thuế cho Nhà nước để bồi dưỡng đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng việc anh nộp thuế, không có nghĩa Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp. Hai câu chuyện này rất khác nhau, không có nghĩa tôi nộp thuế là hợp pháp", đại điện Bộ Tài chính nói.
Thay đổi phương án
Trong khi đề xuất đánh thuế nhà thứ nhất với ngưỡng trên 700 triệu đồng, Bộ Tài chính đã bỏ đề xuất đánh thuế nhà thứ 2.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có đề xuất đánh thuế với nhà thứ 2, thứ 3 để tránh tình trạng đầu cơ, đẩy giá nhà lên cao. Song trong Dự thảo Luật thuế Tài sản lần này, Bộ Tài chính đã bỏ nội dung trên.
Bộ Tài chính giải thích, việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở lên có nhiều nhược điểm.
Đó là không đảm bảo công bằng, trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà, mỗi nhà có diện tích thấp hoặc giá trị thấp lại bị đánh thuế.
Việc đánh thuế này cũng khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại Việt Nam, cần có sự phối hợp thực hiện giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở.
Đặc biệt, việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi được áp dụng tại một vài nước trên thế giới như Singapore, Nhật, Anh, Pháp. Đây là những nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ.
Thực tế tại Việt Nam, các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.
Bộ Tài chính lo ngại phương án này có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn giữa đầu tư nhà ở và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường. Ngoài ra, việc đánh thuế đối với nhà ở thứ 2 trở lên tác động đến thị trường nhà cho thuê.