Người giàu bị ảnh hưởng nhiều hơn người nghèo
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã tổ chức “Hội thảo khoa học khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam”.
Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, đã tính toán mức độ ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản lên phúc lợi hộ gia đình dựa trên số liệu “Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016” do Tổng cục Thống kê điều tra với mẫu 9.399 hộ gia đình trên cả nước.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 ngưỡng tính thuế nhà khác nhau, từ 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng; với thuế suất 0,3% và 0,4%.
Theo nghiên cứu, với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978 nghìn đồng, mức chi tiêu giảm đi là 638 nghìn đồng; Nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng, mức chi tiêu giảm đi là 851 nghìn đồng.
Đối với ngưỡng 1 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 897 nghìn đồng, mức chi tiêu giảm đi là 600 nghìn đồng. Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,198 triệu đồng, mức chi tiêu giảm đi là 800 nghìn đồng.
Đối với ngưỡng 2 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 763 nghìn đồng, mức chi tiêu giảm đi là 525 nghìn đồng. Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng, mức chi tiêu giảm đi là 700 nghìn đồng.
Như vậy có thể thấy “phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất với hộ gia đình. Phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỷ đồng đối với nhà ở có tác động nhỏ hơn đến các hộ gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao”, TS Cường nhận định.
“Cá nhân tôi đề xuất ngưỡng chịu thuế nhà 2 tỷ đồng. Nếu rút xuống 1 tỷ đồng cũng là một phương án hợp lý vì vừa đảm bảo thu thuế, vừa ít tác động hơn phương án do Bộ Tài chính đưa ra”, TS Nguyễn Việt Cường nói.
Phân theo các tiêu chí giới tính, độ tuổi, học vấn, nhân khẩu, dân tộc…TS Cường cũng chỉ ra thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng (giảm 0,9%), giảm chi tiêu thực tế (giảm 0,7%). Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, chủ hộ nhiều tuổi, chủ hộ có học vấn cao bị ảnh hưởng nhiều hơn các hộ có chủ hộ là nam giới, trẻ tuổi và học vấn thấp.
Ngoài ra, các hộ gia đình có nhiều người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn các gia đình bình thường. Các nhóm dân tộc Kinh, Tày, Mường chịu ảnh hưởng lớn hơn các nhóm dân tộc khác.
Bình luận thêm về nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng nếu thuế tài sản được ban hành như dự thảo hiện nay thì sẽ giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình.
“Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện. Vì vậy đây không phải là sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội”, TS Thành nói.
Cơ sở tính thuế không phù hợp, thu chi không rõ ràng
Theo các chuyên gia, thuế tài sản thực ra không phải là sắc thuế mới mà nó đã được “đánh” ở Việt Nam từ rất lâu, thông qua Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Thuế sử dụng đất nông phi nông nghiệp. Tuy nhiên, đóng góp của sắc thuế này vào ngân sách Nhà nước là không đáng kể.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho biết, đóng góp trung bình của thuế bất động sản tại các nước OEDC là cao nhất, vào khoảng 2,12% GDP mỗi năm; các nước đang phát triển là 0,6%; các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%. Trung bình tất cả các quốc gia, đóng góp của thuế bất động sản vào ngân sách nhà nước là 1,04% GDP mỗi năm.
Ảnh: Tuấn Nguyễn
Tại Việt Nam, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ đóng góp 0,03 – 0,06% GDP mỗi năm. Vai trò với ngân sách địa phương cũng khiêm tốn, chỉ chiếm 5-7% thu ngân sách địa phương, nhiều nơi chỉ 2%.
Vị chuyên gia cho rằng sở dĩ Dự thảo luật thuế tài sản bị phản ứng là do cơ sở tính thuế. “Ta muốn áp trên giá Nhà nước nên cơ sở tính thuế thấp. Trên thế giới hầu hết áp dụng giá tính thuế theo giá thị trường” – PGS Vũ Sỹ Cường nêu quan điểm.
Cuối cùng, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh: “Khi ban hành một Luật thuế mới, điều quan trọng là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở ngân sách của các cấp. Để có sự đồng thuận của công chúng thay vì những phản ứng dữ dội, phải nâng tính giải trình trong các khoản chi của ngân sách. Bởi tăng thu để phục vụ chi, nhưng chi như thế nào, người dân cần được rõ hiệu quả của các khoản chi đó.
Bên cạnh đó, cần phải xem gốc gác vấn đề thêm luật thuế, thêm sắc thuế mới. Nếu chi tiêu chưa tiết kiệm thì không thể đưa ra luật thuế hay sắc thuế mới được. Đây là gốc lõi nhất về cân đối thu chi ngân sách của chúng ta”.