Do nghĩ nuôi cua đồng trong ruộng rau, ao bèo nhà mình mang lại giá trị kinh tế cao nên cuối năm 2020, anh Bình quyết định nuôi cua đồng tại ao nhà. Thế nhưng, may mắn chưa mỉm cười bởi anh chưa có kinh nghiệm mua giống.
Đó chính là câu chuyện làm kinh tế chăn nuôi tại gia của Đỗ Bình, 28 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội. Vợ chồng Bình kết hôn vài năm nay và đã có 2 con nhỏ. Vợ anh làm giáo viên còn Bình ở nhà làm thợ mộc và chăn nuôi chuồng trại như cua, trạch, chó, lợn... Do chăm chỉ và chịu khó làm lụng nên cuộc sống của vợ chồng trẻ cũng khá ổn định.
Cuối năm 2020, thấy một số hộ gia đình ở Ứng Hòa nuôi cua đồng rất tiềm năng và mang lại thu nhập tốt chỉ trong ao rau muống hay ao bèo của gia đình, anh Bình cũng muốn tận dụng cái ao bỏ không bấy lâu nay. Anh bắt đầu tìm hiểu, đưa cua đồng về thả trên ao diện tích 500m2 nhà mình.
“Thấy nuôi cua đồng có giá đầu ra cao và ổn định hơn nhiều mặt hàng khác, chưa kể nhiều người chia sẻ là rất dễ nuôi, thức ăn không phức tạp. Vì thế mình cũng nảy ra ý định nuôi cua.
Thấy nhiều người nuôi cua đồng ở ao nhà thu lời lớn |
Anh Bình cũng thử mua cua giống về nuôi trong ao nhà mình |
Khi đấy, mình bắt đầu làm lại ao, kè lại bờ rồi thả bèo. Ao của mình rộng khoảng 500m2 vì thế cả công kè hết khoảng hơn 80 triệu. Ngoài ra, mình cũng mua 1 tạ cua đồng giống về thả, hết 15 triệu nữa. Tổng số tiền đầu tư vụ nuôi cua tại ao hết khoảng 100 triệu đồng”, anh Bình nói.
Dù khi nuôi cua đồng, anh thợ mộc này luôn chú ý chọn ao nuôi địa thế giữ nước tốt, nguồn nước dồi dào vào ra và chất nước không bị ô nhiễm cũng như tát cạn nước để diệt hết địch hại của cua và tiêu diệt mầm bệnh.
Thế nhưng, khi mua về thả ao chỉ được tầm 2 tháng là cả 1 tạ cua đồng của anh Bình chết sạch, không thấy con nào dưới ao nữa.
“Cứ hai ngày, mình lại cho cua ăn cám trộn cá nấu hoặc cho ăn thêm bèo tấm vào chiều tối. Đợt đầu thì cua ăn rất khỏe. Nhưng về sau, thấy hai ngày cua không ăn hết thức ăn nên mình xuống mò. Tìm mãi mà không thấy chú cua nào. Lúc vớt bèo thì thấy nhiều cua con đã chết. Thế là chỉ trong hai tháng đầu tư nuôi cua, mình đã đi tong cả trăm triệu đồng. Đó là chưa tính công chăm sóc cua hàng ngày mình bỏ ra”, Bình buồn rầu nói.
Khi thấy cua đồng nhà nuôi đồng loạt chết, anh loay hoay tìm nguyên nhân để rút kinh nghiệm cho lần chăn nuôi sau. Ao nhà anh nước ra vào liên tục thì không thể có bệnh gì cho cua được. Chuột thì càng không, vì anh đã kè rất kỹ, kè xong còn ốp gạch. Vì thế, chỉ có thể do chính giống cua Bình lấy về.
Tuy nhiên, cua anh Bình nuôi chết hết do giống kém chất lượng (ảnh minh họa) |
Theo anh Bình, đợt giống cua đồng đó anh quá chủ quan khi lấy về nuôi. Vì lấy chỗ người quen nên anh tin tưởng, không kiểm tra kỹ. Nhưng nhà người quen của anh cũng nhập cua giống từ nơi khác về bán lại cho khách. Bởi thế, lúc anh đến lấy thì cua giống đã yếu. Anh có hỏi họ thì người bán bảo cua tạm ngất, về thả là cua sẽ hồi. Thế nhưng, khi mang về thả thì con gãy chân, con gãy càng.
Thấy 1 tạ cua giống mang về nuôi có dấu hiệu xấu, Bình chụp ảnh và phản hồi lại với người quen bán cua giống. Người bán hàng bồi thường cho Bình thêm 10kg cua khác. Tuy nhiên, mang về nuôi cua giống vẫn chết hết.
Sau thất bại nuôi cua đồng, mất hơn 100 triệu đồng chỉ trong 2 tháng, anh Đỗ Bình rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. “Muốn tỷ lệ cua nuôi sống cao và nhanh lớn, phải mua con giống bản địa từ chính những người đi bắt cua nơi mình ở về gây giống, hoặc ươm cua giống từ bé nuôi. Như thế, cua sẽ không bị ảnh hưởng môi trường rồi bệnh", anh đúc kết.
Ngoài ra, khi thả cua giống, không nên thả trực tiếp xuống ao mà phải thả từ mé bờ ao cho cua tự bò xuống ao. Điều này giúp những chú cua tránh được hiện tượng bị sốc môi trường.
“Nếu cua không bị chết thì nuôi cua tầm 4,5 tháng là có thể thu hoạch được. Đây là bài học cho mình”, anh Bình chia sẻ.
Sau thất bại này, Bình chuyển hướng nuôi trạch. Tận dụng ao đã kè từ trước, anh nuôi trạch đồng. Nuôi trạch dễ hơn nuôi cua, chỉ cần đắp bờ đất cao, có quây nylon xung quanh để tránh thất thoát trạch khi trời mưa. Anh cũng bán được một lứa trạch với giá 90.000 đồng/kg. Trạch đồng nuôi bán ra cũng không đủ để tiêu thụ và bán khá được giá.
Thảo Nguyên