Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh sẽ tập trung vào kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, thay vì thẳng tay nâng lãi suất nhằm tránh gây sốc.
Trong lúc Mỹ và châu Âu tiếp tục bơm mạnh tiền để trợ lực cho nền kinh tế vượt qua cú sốc mà Covid-19 gây ra, Trung Quốc lại bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát tín dụng ở một số khu vực. Bước đi này đặt Trung Quốc vào vị thế tiên phong trong việc đối mặt với một thử thách mà các quốc gia khác rồi cũng sẽ gặp phải trong những năm sắp tới, một khi kinh tế đã hồi phục, đó là làm thế nào để rút kích cầu mà không gây tê liệt tăng trưởng hay náo loạn trên thị trường tài chính.
Gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về tình trạng quá nóng của thị trường bất động sản và muốn ngăn chặn những mất cân đối lớn hơn xảy ra trong nền kinh tế. Ngoài ra, nước này cũng sẵn sàng nối lại chiến dịch đã kéo dài nhiều năm nhằm giảm khối nợ khổng lồ hình thành trong nền kinh tế từ lần suy thoái toàn cầu trước đây.
Nếu phạm sai lầm, nỗ lực thắt chặt chính sách có thể cản trở tiến trình phục hồi của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, theo đó khiến nền kinh tế toàn cầu "vạ lây". Ngoài ra, theo tờ Wall Street Journal, kế hoạch của Bắc Kinh cũng có thể gây rắc rối lớn nếu dẫn tới thêm những vụ vỡ nợ hay một đợt điều chỉnh lớn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, vào thời điểm mà giới đầu tư toàn cầu vốn dĩ đã bất an vì đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Vì những lý do như vậy, giới chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ hành động chậm rãi, từ từ thắt chặt tín dụng ở một số khu vực nhất định của nền kinh tế, đồng thời tránh những biện pháp mạnh tay như nâng lãi suất.
TỪ KÍCH CẦU SANG THẮT CHẶT
"Chắc chắn là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có ý định rút lại các biện pháp kích cầu và chuyển sang thắt chặt", chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Standard Chartered, ông Ding Shuang, phát biểu. "Nhưng họ đang hành động một cách thận trọng chứ không đột ngột quay đầu".
Trung Quốc đã phát tín hiệu về ý định thắt chặt chính sách tại kỳ họp thường niên Quốc hội nước này vào đầu tháng 3. Tại kỳ họp, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ở mức trên 6% - một con số mà các chuyên gia cho là tương đối thấp xét đến đà tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế, và là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn có được sự linh hoạt để rút lại các biện pháp kích cầu trong những tháng sắp tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 8% trong năm nay.
Cũng tại kỳ họp Quốc hội này, Trung Quốc hạ mục tiêu thâm hụt ngân sách Chính phủ về 3,2% GDP trong 2021, từ mức 3,6% trong năm 2020. Thâm hụt ngân sách giảm cho thấy chính sách tài khóa thắt chặt hơn. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn giảm hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt của các địa phương - một dạng huy động vốn ngoài ngân sách để rót vào các dự án địa phương như cơ sở hạ tầng - về mức xấp xỉ 560 tỷ USD, từ mức 576 tỷ USD trong năm ngoái. Bắc Kinh không công bố kế hoạch phát hành thêm trái phiếu chính phủ đặc biệt trong năm nay, sau khi huy động khoảng 154 tỷ USD từ loại trái phiếu này trong năm 2020.
"Khi nền kinh tế nối lại tăng trưởng, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách, nhưng theo cách vừa phải", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 11/3.
Được giới quan sát xem là dấu hiệu của thắt chặt tín dụng, những động thái như vậy được đưa ra sau khi Trung Quốc đã có một loạt bước đi khác từ đầu năm. Hồi tháng 1/2021, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hút về lượng thanh khoản lớn hơn dự kiến thông qua nghiệp vụ thị trường mở hàng (OMO) - một công cụ được sử dụng để kiểm soát cung tiền sẵn có đối với các ngân hàng thương mại. Ngay lập tức, một lãi suất ngắn hạn chủ chốt ngắn hạn nhảy lên mức cao nhất trong 5 năm, khiến các ngân hàng phải trả nhiều hơn khi vay vốn.
Để kiềm chế đà tăng của giá bất động sản, cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc gần đây áp quy định mới lên các công ty phát triển nhà - vốn là những doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao - nhằm khiến họ khó vay vốn ngân hàng hơn trước.
Sau 4 tháng giảm liên tiếp, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc có nhích lên. Dù vậy, giới phân tích cho rằng hoạt động cấp vốn tín dụng mới sẽ lại giảm tốc sau những tín hiệu gần đây của Bắc Kinh.
VÌ SAO KHÔNG NÂNG LÃI SUẤT?
Ngược lại với Trung Quốc, Mỹ vào tuần trước phê chuẩn một gói kích cầu mới trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ tăng cường hoạt động mua vào trái phiếu khu vực Eurozone.
Hai hướng đi trái chiều này phản ánh rằng Bắc Kinh xem đại dịch Covid-19 chỉ là một gián đoạn tạm thời, trong khi các nhà hoạch định chính sách châu Âu vẫn đang phải nỗ lực để vực dậy nền kinh tế và hạn chế những tác động dài hạn mà đại dịch gây ra.
Các biện pháp kinh tế khẩn cấp mà Trung Quốc tung ra trong năm ngoái để ứng phó với Covid bao gồm cắt giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và yêu cầu các ngân hàng thương mại mở rộng cấp vốn tín dụng. Dù vậy, các biện pháp tài khóa mà Bắc Kinh triển khai tương đương tỷ lệ GDP nhỏ hơn nhiều so với các biện pháp mà Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển khác áp dụng. Đến cuối năm 2020, tổng chi tiêu tài khóa của Trung Quốc cho công tác kích cầu vượt Covid tương đương khoảng 9% GDP, so với tỷ lệ 19% của Mỹ - theo số liệu từ IMF.
Đến quý IV/2020, nền kinh tế Trung Quốc đã lấy lại được đà tăng trưởng trước đại dịch, chủ yếu nhờ thành công trong kiểm soát Covid và tăng trưởng mạnh của khu vực xuất khẩu. Theo giới phân tích, giờ đây, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc lo nhiều hơn về kiểm soát nợ và các vấn đề kinh tế dài hạn khác. Theo dữ liệu chính thức, trong năm ngoái, tỷ lệ tổng nợ trong nền kinh tế so với GDP của Trung Quốc tăng 24% - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 - lên 270%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng PBoC sẽ kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng thay vì tăng lãi suất, vì tăng lãi suất có thể thu hút dòng tiền đầu cơ, gây nguy cơ hình thành những bong bóng tài sản nguy hiểm. PBoC đã cam kết sẽ giữ chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, tránh những biện pháp kích thích ồ ạt.
Một nguy cơ khác là tín dụng siết lại có thể dẫn tới thêm những vụ vỡ nợ tại các doanh nghiệp quốc doanh. Nhiều công ty nhà nước của Trung Quốc đang có mức nợ lớn, trong khi bản thân các chính quyền địa phương cũng vay nợ nhiều và không muốn ra tay giải cứu những doanh nghiệp như vậy.