TS Hoàng Văn Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam. Ảnh: I.T
Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông là một trong những nguyên nhân khiến vùng hạ du như Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
-Có thể thấy, lưu vực sông Mê Kông, đoạn thuộc Trung Quốc quản lý có rất nhiều hồ đập với dung tích cực lớn. Theo tính toán, tổng dung tích các hồ đập do Trung Quốc xây dựng lên đến 22 tỷ mét khối nước, đây là dung tích hữu ích.
Các hồ này có nhiệm vụ trữ nước vào mùa lũ và xả vào mùa kiệt. Khi những công trình này vận hành thì nhìn chung lưu lượng nước vào mùa kiệt có tăng lên.
Về nguyên tắc, hồ thủy điện hoạt động thì lũ sẽ giảm đi, mùa kiệt sẽ đủ nước hơn, tuy nhiên, do thay đổi quy luật dòng chảy nên cuối mùa mưa, đầu mùa khô các hồ này vẫn tích nước nên những vùng hạ du như ĐBSCL lại bị hạn vào sâu. Sau đó tháng 3,4 xả tăng hơn bình quân, còn lại có lúc cá biệt sẽ xả theo quy luật vận hành của họ.
Như vậy, về nguyên tắc, việc xây dựng các đập thủy điện sẽ giúp mùa khô có nhiều nước hơn, tuy nhiên có tác động làm thay đổi dòng chảy mang tính chất cục bộ.
Nhìn một cách khách quan, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông thời gian qua cực thấp, nó thể hiện ngay từ mùa lũ năm ngoái, dòng chảy đã thấp hơn so với trung bình nhiều năm nên nước tích vào hồ Biển Hồ giảm đáng kể.
Phải khẳng định, Biển Hồ là nơi điều tiết rất tốt cho mùa khô vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lại bị ít lũ từ năm ngoái nên năm nay, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long do tác động tự nhiên là chính.
Còn thủy điện có tác động hay không thì cần có nghiên cứu, nhưng tôi cho rằng, tác động cũng không phải quá lớn.
Đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả nước nhưng Đồng bằng sông Cửu Long được hưởng lợi không nhiều. Ảnh: I.T
Như vậy, nói các hồ đập thủy điện là một trong những thủ phạm khiến hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trở nên khốc liệt hơn có vẻ là chưa khách quan, thưa ông?
-Có thể thấy, thủy điện làm thay đổi quy luật dòng chảy. Nghiên cứu cho thấy, các hồ đập thủy điện khiến cuối mùa mưa đầu mùa khô mặn vào sâu nhưng tháng 2, 3 mặn làm giảm so với trung bình nhiều năm do thủy điện tích nước lại để phát điện vào mùa khô.
Có thông tin nói thủy điện làm mất nước thì chưa khách quan nhưng việc thay đổi quy luật dòng chảy là có.
Nhưng có một thực tế có thể thấy rất rõ là việc xây quá nhiều hồ đập thủy điện trên thượng nguồn sẽ khiến lượng phù sa về hạ du sụt giảm đáng kể.
Nguyên tắc là khi xây dựng hồ lớn thì nước trong hồ gần như không chảy, dòng chảy cực ít nên lượng phù sa lắng xuống đáy hồ mà không thể về hạ lưu, đây là nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng hạ du, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng.
Thiếu lượng phù sa bùn cát về đồng bằng không chỉ gây ra hiện tượng sạt lở mà về lâu dài còn gây ra hiện tượng mực nước sông giảm do đáy sông không có phù sa nên tụt xuống, thực tế sông Hồng cũng đã gặp hiện tượng này.
Điều này sẽ thiệt hại lớn, bởi lượng nước có thể rất lớn nhưng do đáy sông tụt xuống khiến mực nước giảm nên nước không thể đi sâu vào các kênh rạch. Tôi cho đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến hạn mặn.
Hạn mặn đang khốc liệt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: I.T
Cuối tháng 1/2020, phía Trung Quốc có thông báo sẽ tăng lưu lượng xả đập Lan Thương lên 1.000m3/s để giảm cơn khát cho vùng hạ lưu sông Mê Kông. Tuy nhiên, có vẻ như vùng Đồng bằng sông Cửu Long không được hưởng lợi từ nguồn nước này. Theo ông, nguyên nhân tại sao?
-Muốn nước từ đập Lan Thương về được tới Đồng bằng sông Cửu Long thì lưu lượng xả phải cực lớn thì nước mới lan tỏa. Con số 1.000m3/s chưa phải là lớn để nhìn thấy sự tác động lên Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc Trung Quốc xả đập cũng có thể do các nước vùng hạ du như Lào, Thái Lan yêu cầu nên họ xả, còn Việt Nam không được hưởng nhiều.
Vấn đề sử dụng chung nguồn nước sông Mê Kông đã được các nước nhiều lần đưa ra bàn bạc trong các hội nghị thượng đỉnh. Vậy theo ông, làm sao để giải quyết được vấn đề này để các nước đều có thể hưởng lợi từ nguồn nước quý giá trên sông mẹ?
- Muốn sử dụng hiệu quả và công bằng nguồn nước sông Mê Kông, tôi nghĩ các quốc gia phải chia sẻ thông tin nhiều và thường xuyên hơn.
Ví dụ, lượng nước tích trong hồ thủy điện là bao nhiêu, lượng mưa trên từng lưu vực sông là bao nhiêu để các quốc gia có kế hoạch sử dụng nước hiệu quả. Hợp tác Mê Kông - Lan Thương phải nhấn mạnh được điều này, phải căn cứ vào việc dùng nước ở hạ lưu để vận hành các hồ thủy điện cho phù hợp.
Ví dụ, trước mỗi vụ đông xuân ở miền Bắc, các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu đều có kế hoạch xả nước phục vụ sản xuất, thì trên bình diện các quốc gia chung lưu vực sông Mê Kông cũng vậy, phải căn cứ vào tình hình của các nước vùng hạ lưu để vận hành, lúc nào cần xả cao, lúc nào cần xả thấp.
Với các vùng hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông, đâu là giải pháp trước mắt và lâu dài để thích ứng với tình trạng này?
- Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay hạn mặn sẽ còn khốc liệt, vì vậy ngoài tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm sự hỗ trợ các giải pháp thích ứng với hạn mặn, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần giảm ngay việc khai thác cát trái phép trên sông, việc khai thác cát sẽ làm tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trở nên nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế phù hợp thích ứng với điều kiện mới của tự nhiên, các vùng mặn lợ tìm những cây trồng, con nuôi phù hợp.
Tăng cường công tác dự báo sớm để sản xuất né thời điểm hạn mặn. Phải nói năm nay công tác dự báo rất tốt, từ cuối tháng 9/2019, Chính phủ đã họp chỉ đạo, các địa phương đẩy khung thời vụ sớm hơn 15 - 20 ngày nên dù hạn mặn khốc liệt nhưng thiệt hại với lúa không đáng kể.
Bên cạnh đó, phải có các giải pháp công trình phù hợp, đây là những công trình phòng chống thiên tai, làm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Xin cảm ơn ông!