1. Tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp không nằm trong các trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014
2. Ngành nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 28 Luật Doanh nghiệp thì một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
Điều 7 về quyền của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014 khẳng định doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”.
3. Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định
Việc đặt tên doanh nghiệp dự kiến thành lập thực hiện theo các quy định tại Điều 38 đến Điều 42 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu và bao gồm hai thành tố theo thứ tự là loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
Đồng thời, phải tuân thủ các quy định về những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp quy định tại Điều 39 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký; Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.
Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định: "Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của Phòng đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng".
4. Có trụ sở chính hợp lệ
Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định và phải thỏa mãn các điều kiện được pháp luật quy định tại Điều 43 Luật Doanh nghiệp.
Cụ thể, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
5. Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ
Hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật này, có nội dung được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Người thành lập doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ.
6. Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí
Người thành lập doanh nghiệp phải nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký kinh doanh. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp sẽ không được hoàn trả cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Phí và Lệ phí đăng ký doanh nghiệp hiện nay đang được điều chỉnh bởi Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Theo Khoản 12 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.
Điều 29 Luật doanh nghiệp 2014 quy định nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với công ty cổ phần bao gồm: (1) Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; (2) Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; (3) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật và (4) Vốn điều lệ.
Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh, là thủ tục chính thức khai sinh ra một doanh nghiệp và công nhận sự tồn tại, hoạt động của doanh nghiệp đó.
Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện .