Quyết tâm theo đuổi Basel II
Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel do những chuyên gia tài chính xuất sắc nhất đến từ ngân hàng trung ương và các cơ quan quản chế ngân hàng của các nhóm G10 xây dựng. Trọng tâm của Basel liên quan đến mức độ an toàn vốn - nhằm đảm bảo rằng các định chế tài chính luôn duy trì một số vốn cần thiết để đứng vững trước những rủi ro.
Nhằm phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế, năm 2014, NHNN đã chỉ định thành lập nhóm thí điểm 10 ngân hàng mạnh thực hiện Basel II, chuẩn bị lộ trình yêu cầu toàn bộ ngân hàng trong hệ thống đáp ứng Basel II, bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, VPBank, VIB, Maritime Bank (nay là MSB), MB, ACB và Techcombank. Trong số này, tính đến thời điểm hiện tại đã có 5 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đạt chuẩn Basel II về quản trị rủi ro đó là Vietcombank, VIB, ACB, MB và VPBank.
Mặc dù không nằm trong nhóm thí điểm, hiểu được tầm quan trọng của Basel II trong con đường xây dựng một ngân hàng vững mạnh và minh bạch, TPBank vẫn chuẩn bị nguồn lực, quyết tâm trở thành một trong những nhà băng đầu tiên được công nhận chuẩn Basel II, tự nguyện báo cáo với NHNN tiến trình áp dụng Basel II tại ngân hàng này và cũng đã được NHNN chấp thuận cho áp dụng Basel II kể từ tháng 5 năm nay.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, với tinh thần quyết tâm đạt được Basel II trước thời hạn, mỗi thành viên trong Ban Dự án Basel đều đặt mình trong tinh thần của một cuộc đua nước rút, nhờ đó mức độ đáp ứng Basel II ngày càng được được rút ngắn.
Trong giai đoạn 2015 - 2017, TPBank có hàng trăm sáng kiến đổi mới đẩy nhanh tiến trình đáp ứng Basel II. Đến 2018, việc ứng dụng công nghệ và sáng kiến mới ngày càng trở nên mạnh mẽ. Để lượng hoá dữ liệu, ngân hàng bắt đầu ứng dụng công nghệ OCR có khả năng chuyển văn bản nhanh chóng từ hình ảnh sang dạng ký tự (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt) cho ứng dụng số hóa big data; Trong quản lý tín dụng, ngân hàng này ứng dụng hệ thống Quản lý tín dụng LOS (Loan Origination System), cho phép tự động đánh giá rủi ro khách quan; tăng, giảm hạn mức tín dụng ngay từ quá trình bắt đầu khoản vay đến giải ngân, giúp thông tin hồ sơ được rõ ràng, minh bạch, việc phê duyệt khoản vay sẽ quyết định nhanh chóng hơn.
Quả ngọt trong việc lượng hoá, số hoá thông tin
Năm 2018, nhờ ổn định về hệ thống CNTT và các quy trình quản trị, đánh giá đầy đủ các phương diện rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, TPBank đã những tính năng mới, những dịch vụ mới và hoàn thiện những tiện ích sẵn có, cho phép khách hàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại từ xa an toàn, tiện dụng, được nhiều người đón nhận. Kết quả ghi nhận rất đáng khích lệ.
Theo đó, trong năm 2018, ngân hàng ghi nhận thu nhập thuần tăng thêm 38%, tăng trưởng tín dụng tăng 18%, chi phí lãi bình quân giảm, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và các khoản thu nhập khác cũng tăng mạnh, thu từ dịch vụ tăng gấp 5 lần trong quý 4 và cao gấp hơn 3 lần so với cả năm 2017. Lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh, đạt 2.258 tỷ đồng.
Đà tăng trưởng tiếp tục duy trì trong năm 2019. Theo số liệu báo cáo tài chính của TPBank, kết thúc quý đầu tiên năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 1.886 tỷ đồng, tăng gần 700 tỷ đồng so với quý I/2018. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 853 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ.
Tính đến hết 31/3/2019, tổng tài sản của TPBank đạt gần 140 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2018. Vốn chủ sở hữu đạt 11,3 nghìn tỷ đồng, duy trì tỉ lệ vốn chủ sở hữu (CAR) trên 9.5% so với yêu cầu các ngân hàng phải duy trì tỉ lệ vốn tự có tối thiểu là 8% của NHNN để đáp ứng Basel II.