Cách đặt vấn đề so sánh giữa rau, hoa, quả với dầu thô của Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (xem báo NTNN ngày 14.11) cho thấy một cách nhìn mới và đúng đắn khi mặt hàng này vẫn chưa được coi là sản phẩm chủ lực quốc gia.
Công tác giống và nghiên cứu còn kém
Thống kê cho thấy, trong 10 năm (2005 – 2015), diện tích trồng hoa tăng 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần (đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu gần 50 triệu USD). Trên một đơn vị diện tích, giá trị từ thu nhập đã tăng gấp 3 lần, đã hình thành nhiều mô hình đạt từ 800 triệu đến 2,5 tỷ/ha.
Vấn đề đặt ra với ngành hoa là kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu, nhiều diện tích còn sản xuất ngoài tự nhiên. Diện tích trồng hoa trong nhà có mái che tăng lên đáng kể trong vòng 2 – 3 năm gần đây. Năm 2016, ước tính diện tích nhà màng, nhà lưới đã tăng 18%.
Các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. ảnh: Nguyên Vỹ
Theo TS Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hoa là lĩnh vực có cơ hội và điều kiện để gắn với hệ thống sản xuất công nghệ cao và sản xuất theo quy mô công nghiệp. Cái khó hiện nay là đầu tư cho sản xuất hoa áp dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, vượt quá khả năng của nông dân.
“Sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp (DN) chưa nhiều, quy hoạch vùng hoa kiểng còn bất cập. Điều đáng lưu ý là chưa chủ động được việc sản xuất giống hoa, nhất là hoa cao cấp, hoa văn phòng, hoa chậu” - TS Định nói.
GS-TS Bùi Chí Bửu - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, nông dân hiện nay rất dễ bị tổn thương do sức cạnh tranh yếu. Lấy ví dụ thực tế tại TP.HCM, dù có ứng dụng công nghệ cao thì khả năng cung cấp rau tại chỗ chỉ đáp ứng 30 – 35% nhu cầu tiêu dùng của thành phố, phần còn lại phải nhập từ Tiền Giang, Lâm Đồng… Theo ông Bửu, công tác giống phải được xem là trọng tâm trong cải tiến sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
“Trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, tại sao không chuyển sang sản xuất hạt giống với thu nhập cao hơn?” - ông Bửu cho biết.
Ở góc độ của DN, ông Nguyễn Văn Thành – Chi hội trưởng Chi hội Thương mại giống cây trồng Đông Nam Bộ cho rằng, mong muốn lớn nhất của DN là được thuê đất dài hạn từ 20 – 25 năm trở lên để ổn định nghiên cứu và sản xuất lâu dài.
Thực tế cho thấy, các rào cản chính sách, các thủ tục giao thuê đất nhiêu khê cũng làm nản lòng không ít nhà đầu tư. “Rất nhiều DN đặt văn phòng đại diện tại TP.HCM nhưng phải đi thuê đất và đầu tư nhà xưởng ở các tỉnh khác, làm tăng chi phí và giá thành, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với DN có vốn nước ngoài cùng ngành nghề” - ông Thành kể.
Thị trường còn khiêm tốn
Theo TS Trần Xuân Định, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành hoa kiểng. Các vùng hoa Đà Lạt, duyên hải Nam Trung Bộ, TP.HCM, Đông Nam Bộ, ĐBSCL đều có những vùng hoa, làng hoa truyền thống. Đây sẽ là những vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Các vùng núi - trung du phía Bắc và Bắc Trung Bộ còn nhiều quỹ đất để phát triển các giống hoa cao cấp, có điều kiện hình thành trang trại và DN sản xuất hoa công nghiệp.
Theo Bộ NNPTNT, định hướng phát triển thời gian tới, tổng diện tích cây ăn quả cả nước sẽ đạt 910.000 – 1 triệu ha; tổng sản lượng quả các loại trên 9,5 – 10 triệu tấn. Diện tích 10 loại cây ăn quả chủ lực đến năm 2020 là 750.000 ha, tăng 125% so năm 2015. Có 100% diện tích cây ăn quả chủ lực được sản xuất theo GAP hoặc cấp mã số vùng trồng. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng bình quân trên 20%/năm, phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt trên 4 – 5 tỷ USD, trong đó sản phẩm quả chiếm trên 80%. |
Nhưng xuất khẩu trong ngành hàng hoa còn khiêm tốn. Ở trong nước, các tỉnh miền Bắc còn chưa có các chợ đầu mối giao dịch lớn. Từ đó, TS Định đề xuất: “Cần hình thành thị trường giao dịch, bán buôn hoa kiểng, gắn với các siêu thị vật tư nông nghiệp và sản phẩm chuyên nông nghiệp, để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho không chỉ hoa mà còn cây cảnh”.
Với mặt hàng rau quả, sự gia tăng về diện tích, sản lượng ở cả 63 tỉnh, thành đã tạo được bước tăng trưởng đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi tận dụng, khai thác được các tiềm năng, lợi thế về điều kiện sinh thái, thị trường tiêu thụ.
Cả nước đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa mà trình độ canh tác của nông dân đã rất cao như vùng thanh long (Bình Thuận – Long An – Tiền Giang), vải thiều (Bắc Giang – Hải Dương)… Quy trình thực hành sản xuất tốt trong sản xuất cây ăn quả cũng có một số kết quả nhất định, đáng kể nhất là với vải và thanh long.
Ông Trần Anh Tùng - nông dân trồng sầu riêng VietGAP ở tỉnh Đồng Nai cho rằng, cách đặt vấn mới đây của ông Nguyễn Thiện Nhân ở Quốc hội là đúng, nhưng cần phải có những biện pháp cụ thể để khơi thông thị trường. “Không có khâu phân phối tốt, người đi chợ chẳng thể nào biết trái cây tôi trồng là ngon. Nói tới chuyện xuất khẩu, chúng ta cần môi trường thông thoáng” - ông Tùng nói. /.