Những ngày đầu bùng phát dịch, khẩu trang trở thành cơn sốt khi người dân đồng loạt mua số lượng lớn dự trữ, xếp hàng dài chờ đợi tại các cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc… dẫn đến tình trạng đồng loạt cháy hàng. Trước bối cảnh này, nhiều đơn vị nhanh chóng lên kế hoạch làm việc với các nhà cung cấp, đặt hàng cho những tháng tiếp theo trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp.
Trong số đó, Pharmacity công bố kế hoạch sẽ đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường với 130 triệu khẩu trang cho tháng 3/2020. Song, thực tế do nhiều nguyên nhân khiến số lượng không đạt được kỳ vọng, nhiều khách hàng phản hồi "dù tuyên bố số lượng lớn, nhưng hầu hết các cửa hàng Pharmacity đều không còn khẩu trang".
Trong kế hoạch tuyên bố hồi đầu tháng 2/2020, với nhu cầu về bảo vệ sức khỏe từ chính người tiêu dùng, nhận định nhu cầu sử dụng các loại khẩu trang vẫn sẽ tăng cao trong thời gian sắp tớ, Pharmacity đã lên kế hoạch đặt hàng cho tháng 2 với số lượng hơn 130.000.000 khẩu trang các loại (tăng gấp 16 lần so với nhu cầu hiện nay) nhằm đáp ứng tốt nhất và nhanh nhất các nhu cầu thiết yếu của khách hàng.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Pharmcaity cho hay, từ cuối tháng 1/2020 đến nay, Pharmacity đã cung ứng được hơn 11,6 triệu khẩu trang (trong đó có hơn 174.000 khẩu trang vải và gần 11.500.000 khẩu trang y tế). Con số này chiếm khoảng 9% số lượng khẩu trang nằm trong kế hoạch cung ứng ban đầu là 130 triệu cái.
Nguyên nhân theo Pharmacty, từ giữa tháng 2/2020, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã nhận định dịch viêm đường hô hấp Covid-19 cấp diễn biến rất phức tạp; vì vậy, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế sẽ tăng cao đột biến. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế đang trở nên khan hiếm trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Điều này đã khiến các nhà cung cấp của chúng tôi không thể đáp ứng nguồn cung ứng mà họ đã cam kết với Pharmacity ban đầu. Đây chính là nguyên nhân trọng yếu dẫn đến tình trạng Pharmacity không thể cung ứng số lượng khẩu trang y tế như đã công bố.
Mặt khác, chuỗi cũng đã phối hợp cung cấp trực tiếp hơn 450.000 khẩu trang y tế cho các cơ quan ban ngành và các bệnh viện tuyến đầu. Bên cạnh đó, theo quyết định của Bộ Y tế về việc yêu cầu các nhà cung cấp cần ưu tiên nguồn cung ứng khẩu trang cho các bệnh viện, cơ quan y tế phòng chống dịch, cụ thể từ ngày 17/2/2020 cho đến nay, Pharmacity đã phải ngưng thu mua khẩu trang từ các nhà cung cấp. Đây là nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc Pharmacity không thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu khẩu trang y tế của người tiêu dùng.
"Kể từ thời điểm đó, chúng tôi phải tự cân đối nguồn hàng còn lại phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn quốc. Và một trong những nỗ lực của chúng tôi để hỗ trợ cộng đồng vượt qua đại dịch lần này đó chính là từ đầu mùa dịch đến nay, Pharmacity cam kết đảm bảo mức giá khẩu trang y tế bình ổn là 34.900VNĐ/hộp. Trong giai đoạn đại dịch này với sự khan hiếm của nguồn cung, cam kết không tăng giá là một nỗ lực rất lớn của chúng tôi", đại diện hãng cho hay.
Hiện, ngoài 2 đơn vị cung cấp khẩu trang y tế chính, Pharmacity đã kết nối và làm việc với các nhà cung cấp mới ở cả trong và ngoài nước để có thể đáp ứng nhu cầu khẩu trang của người tiêu dùng. Trong tháng 2 và 3/2020, chuỗi thống kê đã cung cấp được hơn 174.000 khẩu trang vải diệt khuẩn các loại.
Kế hoạch sang tháng 4, Pharmacity dự tiếp tục cung ứng khoảng 2.000.000 khẩu trang vải diệt khuẩn trên toàn quốc. Theo thống kê, 2.000.000 sản phẩm này có thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng trong giai đoạn hiện nay và số lượng này hoàn toàn có thể được gia tăng theo thực tế nhu cầu phát sinh của khách hàng.