Cụ thể, thời gian qua, thị trường chứng kiến những sự đột phá trong hoạt động chuyển đổi số ở các ngân hàng như VIB, TPBank, VPBank, MB, OCB, Nam A Bank, Vietcapital Bank và mới đây nhất là sự nổi lên của MB, Vietcombank, BIDV với những thành tựu ban đầu đã tác động tích cực tới hoạt động của các nhà băng.
Trong số các ngân hàng, TPBank là một trong những thành viên khá tích cực khi đã đi trước về chuyển đổi số từ nhiều năm nay. Thậm chí cách đây vài năm, ngân hàng này đã đặt mục tiêu dẫn đầu về ngân hàng số trên thị trường.
Với khởi đầu là LiveBank, từ năm 2017, khách hàng của TPBank đã có thể giao dịch gửi tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mở thẻ… mà không cần làm việc trực tiếp với nhân viên tại quầy. Đây là ngân hàng ở Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này làm được điều đó.
Hệ thống của LiveBank được diễn ra hoàn toàn tự động hóa với nhiều công nghệ hiện đại và cập nhật liên tục theo xu hướng của công nghệ với độ an toàn và bảo mật cao. Đến nay sau 3 năm trình làng, ngân hàng đã có khoảng 300 LiveBank phủ khắp toàn quốc.
Ngay từ khi ra mắt, hệ thống ngân hàng tự động đã có các chức năng như nhận diện bằng sinh trắc học, sử dụng công nghệ nhận dạng chữ viết OCR, ứng dụng QR Code, có dual camera nhận diện thực thể sống, ghi lại toàn cảnh giao dịch… Năm 2018, TPBank cập nhật thêm tính năng giao dịch bằng vân tay cho LiveBank, và mới đây nhất, từ 01/7/2020 ngân hàng có thêm tính năng nhận diện khuôn mặt trên ngân hàng tự động. Theo lãnh đạo phụ trách mảng ngân hàng số của TPBank thì hiện mới chỉ có một số nước phát triển sử dụng giải pháp xác thực danh tính tại cây ATM, trong đó riêng Việt Nam thì TPBank là ngân hàng phát triển giải pháp này.
Sau khi bổ sung tính năng nhận diện khuôn mặt cho LiveBank, với 300 máy được phủ khắp cả nước, mà theo cách gọi của TPBank, hay VTM - Video Teller Machine theo tên gọi thông dụng, TPBank trở thành ngân hàng sở hữu hệ thống VTM có ứng dụng nhận diện khuôn mặt lớn nhất thế giới, còn riêng ở Việt Nam thì chưa có ngân hàng nào làm được. Trước đó, CaixaBank ở Tây Ban Nha ngân hàng đầu tiên ứng dụng nhận diện khuôn mặt từ 2019, và đến tháng 6/2020 mở rộng trên 100 máy VTM. Khác với TPBank, công nghệ nhận diện ở Caixa Bank vẫn đòi hỏi người dùng mang theo thẻ vật lý hoặc thẻ tích hợp trên điện thoại để quẹt vào máy, bên cạnh lớp xác thực thứ hai là khuôn mặt.
Vào đầu tháng 8 vừa qua, TPBank lại tiếp tục ghi dấu ấn trên thị trường khi là một trong những ngân hàng đầu tiên hoàn thiện định danh điện tử eKYC trên App. Với eKYC, khách hàng chỉ cần thực hiện một vài thao tác đơn giản là đã đăng ký tài khoản thành công và có thể thực hiện ngay các giao dịch thông thường như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mua sắm online,… hoàn toàn miễn phí.
Theo người phụ trách ngân hàng số của TPBank, để phục vụ cho việc vận hành eKYC, app của ngân hàng đã được tích hợp những công nghệ hàng đầu như: Máy học (Machine Learning), Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR), Công nghệ nhận diện khuôn mặt (Face Recognition) & Công nghệ nhận diện người sống (Liveness Check), Công nghệ nhận diện khách hàng giả mạo, lừa đảo (Fraud detection).
Đặc biệt, TPBank đã ứng dụng thành công công nghệ gọi điện trực tuyến (Video Call) đảm bảo xác minh thông tin qua app có hiệu quả như gặp mặt trực tiếp. Công nghệ này cho phép khách hàng có thể mở tối đa hạn mức giao dịch ngay trên app mà không cần đến quầy hay gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng. Được biết tại Việt Nam, mới chỉ có TPBank là ngân hàng đầu tiên hoàn thiện tới bước định danh này và đã sẵn sàng đưa vào hoạt động ngay khi được phép (trong khi chờ đợi thông tư hướng dẫn chi tiết thì hiện Ngân hàng Nhà nước mới cho khoảng 10 ngân hàng tiến hành thử nghiệm eKYC trong hoạt động – Phóng viên).
Sau thời gian đầu tư mạnh cho công nghệ, mà nói như Tổng giám đốc Nguyễn Hưng của ngân hàng này, là đầu tư hàng nghìn tỷ cho những lĩnh vực liên quan đến công nghệ và ngân hàng số, TPBank thời gian qua đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động. Thay vì một ngân hàng tái cơ cấu và nằm trong nhóm các ngân hàng nhỏ, đến nay TPBank đã nằm trong top các ngân hàng sinh lời tốt nhất, nhóm 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống.