Quyết định này đặt mục tiêu phát triển Chính phủ số, hướng tới để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia hoạt động của cơ quan Nhà nước một cách phù hợp, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.
Trong đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ số suốt đời, khi cần, thuận tiện, trực tiếp hoặc online, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.
Tại Quyết định này, Thủ tướng đặt ra một số vấn đề cơ bản như mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm theo mã QR, tiến tới đều có điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập internet cáp quang băng rộng.
Ngoài ra, mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân; mỗi cơ sở khám, chữa bệnh đều tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử.
Học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Các trường học thanh toán hoc phí không dùng tiền mặt, học liệu số. Mỗi nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác và sử dụng nền tảng số về nông nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng…
Cũng theo quyết định, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/6/2021.