Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận hầu như rất ít đón nhận các dự án đất nền của các doanh nghiệp được mở bán. Giao dịch đất nền riêng lẻ của người dân cũng khá trầm lắng khi giá bán phân khúc này đã lập đỉnh, nhiều người trót mua sản phẩm vào lúc "sốt đất " rồi chật vật tìm cách bán.
Anh Trung (50 tuổi, ngụ quận 12) cho biết, giai đoạn 2020-2021 thị trường còn thịnh vượng, với các thông tin quy hoạch huyện Củ Chi lên thành phố, anh có cùng bạn bè tham gia đầu tư, mua đất nền tại đây để đầu cơ. Anh Trung đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để mua mảnh đất 300m2, thổ cư 60m2. Mức giá này khá cao nhưng nhà đầu tư này vẫn chấp nhận xuống tiền mua vì thời điểm đó người người đổ xô đi mua đất vùng ven TP.HCM.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập đến cùng các khó khăn liên tiếp về kinh tế chung, các thông tin quy hoạch không được triển khai khiến đất nền vùng ven TP.HCM dần "nguội". Lúc bây giờ, anh Trung mới vội vã tìm cách thoát hàng nhưng rao mãi chẳng thấy ai hỏi mua.
"Giá đất tôi mua vào cao quá nên giờ rất khó bán, nếu bán rẻ hơn thì tôi phải chịu thiệt hại. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định không rao bán nữa mà xây dựng hàng rào, cất ngôi nhà nhỏ, trồng cây vừa để giữ đất, vừa chờ thị trường phục hồi thì sẽ bán ra", anh Trung cho hay.
Thực tế, sau khi cơn sốt đất qua đi, thị trường đất nền trong năm 2023 vừa qua khá trầm lắng. Thậm chí, vào dịp cận Tết Nguyên đán – thời điểm mà nhiều nhà đầu tư có dòng tiền nhàn rỗi thường đi "săn" nhà, đất giá rẻ thì thanh khoản của phân khúc này cũng không có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Theo dữ liệu của DKRA Group, năm 2023 vừa qua, thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh đón nhận 22 dự án với nguồn cung khoảng 1.850 nền, giảm 73% so với năm 2022, đây là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 751 nền, xấp xỉ 41% tổng nguồn cung mở bán mới, giảm 84% so với năm trước.
Giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm sản phẩm có mức giá 12,9 – 14,9 triệu đồng/m2 và diện tích phổ biến từ 70 - 90 m2. Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực.
Về giá bán, mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức giảm 10% - 13% so với năm 2022. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giảm 13% - 17% so với đầu năm 2023, tuy nhiên, mức giảm này diễn ra cục bộ ở nhóm khách hàng sử dụng vốn vay, cũng như tại một số dự án có quy mô lớn chưa hoàn thiện hạ tầng - pháp lý.
Trong khi đó, nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, phân khúc đất nền trong năm 2023 khá ảm đạm. Giá trung bình đất nền, sản phẩm thấp tầng giảm khoảng 30-40% so với năm 2022. Bước sang năm 2024, các chuyên gia của VARS dự báo, giá đất nền tại các đô thị lớn có khả năng tăng khoảng 5-7% so với năm 2023 do sự khan hiếm về nguồn cung.
Ông Phạm Anh Khôi - Tiến sĩ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services đánh giá, phân khúc đất nền đang gặp phải những khó khăn. Hiện nay, nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay... nên khó khăn về dòng tiền. Sự trì trệ này đặt ra thách thức lớn đối với việc tái khởi động và phát triển trong các phân khúc này. Tuy nhiên, về lâu dài, vị chuyên gia đánh giá, phân khúc này dù đang ở thái trầm lắng nhưng vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng.
Trong khi đó, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group đánh giá đất nền vẫn là kênh đầu tư bền vững. Sức hút của đất nền đối với các nhà đầu tư sẽ rất khó suy giảm. Bởi, tâm lý nhà đầu tư Việt ưa chuộng nhà gắn liền với đất, và đất nền được xem như kênh tích lũy tài sản an toàn, khả năng sinh lợi nhuận cao. Cùng với đó, so với các phân khúc khác thì tính pháp lý của đất nền vẫn ổn định, minh bạch hơn.
Vị chuyên gia cho biết, theo nghiên cứu của đơn vị, dựa trên cơ sở kéo dài chu kỳ lặp lại, giai đoạn nửa đầu năm 2024 có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản . Theo đó, cơn sốt đất có thể quay lại vào giai đoạn 2025-2026.