Trong mấy năm trở lại đây, bất động sản tại khắp các nơi đều sôi sục, giá đất tăng mạnh không chỉ ở những khu vực trung tâm như Hà Nội và TP. HCM mà đã lan rộng ra cả vùng nông thôn, thậm chí vùng núi.
Theo đó, nếu ở thời điểm hiện tại dù thị trường bất động sản đã chững lại nhưng muốn mua đất đa phần đều phải tiền tỷ. ngay cả những quỹ đất ven đô như Hoài Đức, Thạch Thất, Sơn Tây, Gia Lâm... cũng có mức giá trên 1,5 tỷ đồng với những lô đất diện tích từ 30 - 40m2.
Trước nỗi lo lạm phát tăng cao, nhiều người vẫn cho rằng bất động sản là kênh giữ tiền hiệu quả. Tuy nhiên, ở những mảnh đất có giá trị cao vài chục triệu đồng/m2 thì gần như hiện nay người bán nhiều, người mua ít. Trái ngược cảnh này, ở phân khúc đất nền giá rẻ lại được nhà đầu tư tích cực “săn” lùng. Bởi hiện nay sử dụng đòn bẩy là tài chính khó nhưng đất giá rẻ số tiền bỏ ra nhỏ chỉ khoảng 500 - 800 triệu đồng. Số tiền này vừa miếng với đại đa số người đang giữ tiền mặt nên vẫn có tính thanh khoản tốt.
Gia đình tiết kiệm được khoảng 800 triệu đồng, anh Đức (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu tính chuyện đầu tư đất. Tuy nhiên, số tiền của anh đầu tư ở vùng ven cũng vẫn rất khó, không phù hợp với tiền.
“Thị trường bất động sản cũng chững, một số người ở vùng ven cắt lỗ nhưng giá cũng rất cao. Tôi được một người bạn mách nước về các tỉnh để săn quỹ đất giá rẻ. Chỉ cần đầu tư thời gian một chút là sẽ mua được mà không cần vay”, anh Đức nói.
Gần đây, anh Đức đã mua mảnh đất tại Duy Tiên (Hà Nam), diện tích 120m2, giá 7 triệu đồng/m2, tổng 840 triệu đồng. Người đàn ông cho biết, đã đi qua nhiều tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình,... Với số tiền khoảng 500 - 800 triệu đồng vẫn có thể sở hữu đất rộng, ở trong khu vực dân cư. Bên cạnh đó, anh cũng tiết lộ, với số tiền nhỏ như vậy, ở phân khúc này vẫn có tính thanh khoản tốt.
Lo sợ tiền mất giá khi lạm phát gia tăng, nhiều người có tài sản tích lũy khoảng dưới 1 tỷ đồng đang chọn cách gửi tiền vào đất nền tại thị trường tỉnh khiến loại hình này gia tăng giao dịch các tháng đầu năm, giá cũng được đẩy lên.
Cùng chung lựa chọn, với số tiền 700 triệu đồng trong tay, chưa biết đầu tư kinh doanh vào đầu nên anh Nguyễn Kha, quê tại Nam Định, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội quyết định mua đất với tâm lý “ăn chắc mặc bền”.
“Đầu tư chứng khoán hơi mông lung, đặc biệt thời gian gần đây thị trường liên tục lao dốc, kinh doanh thì phải có kinh nghiệm và đòi hỏi phải tập trung thời gian, công sức. Tuy nhiên, tôi vẫn làm theo công ty nên tính chỉ có mua đất là vừa đảm bảo không mất vốn cũng có nhiều khả năng sẽ kiếm được lời cao”, anh Kha nói.
Anh Kha chia sẻ thêm: “Đất lên giá nhanh quá, quanh khu vực quê tôi giờ giá đất tăng mấy chục phần trăm chỉ sau có 1 - 2 năm. Nhiều người có tiền tiền đi mua đất cả vài trăm đến nghìn m2, tôi có ít tiền thì mua tầm mấy chục m2 để đó. Cũng không phải mục tiêu lướt sóng kiếm lời, nên lô đất nào vị trí ổn, sổ đỏ đàng hoàng, giá phải chăng thì mua để dành. Theo tôi về lâu về dài giá đất vẫn có thể tăng, khó giảm được”, anh Kha nói.
Theo anh Kha phân tích, hiện việc dùng đòn bẩy tài chính vào bất động sản rất khó nên những mảnh đất giá còn rẻ sẽ được ưa chuộng với nhà đầu tư có vốn mỏng. “Khi đó, người mua sẽ sử dụng hoàn toàn tiền thật, không sử dụng đòn bẩy tài chính. Do vậy, dù thị trường có thể không sôi động nhưng kể cả đi ngang một thời gian thì cũng không cần lo lắng cắt lỗ”, anh Kha nói.
Anh Nguyễn Văn Hải, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, việc vay tín dụng bất động sản khó đã khiến thị trường nhiều khu vực chững lại, thậm chí những người vay quá nhiều có tâm lý hoang mang cắt lỗ để thoát hàng.
Tuy nhiên, với phân khúc đất nền ít tiền, hầu hết những người đầu tư đều có tiền thật để mua mà không phải vay, đa phần là mục đích mua để dành. Bên cạnh đó, kể cả thị trường trầm lắng thời gian dài đất giá rẻ cũng khó bị thua lỗ nhiều.
“Kể cả nhà đầu tư có mức vốn tiền tỷ họ vẫn có thể chia ra mua nhiều lô ở nhiều khu vực khác nhau. Nếu bỏ vào cùng một khu vực nhưng khu vực đó càng ngày càng trầm lắng thì dễ dẫn tới thua lỗ rất nặng. Tuy nhiên, việc mua ở khu vực nào trong thời điểm này nhà đầu tư cũng cần xem xét kỹ về khả năng an toàn”, anh Hải nói.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, nước ta vẫn đang điều hành tốt để kiểm soát lạm phát ở mức ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hội nhập cùng thế giới, nên xu hướng thị trường sẽ còn khó khăn là không tránh khỏi.
Do đó, theo vị chuyên gia, các nhà đầu tư nếu thực sự có tiềm năng, nên tham gia phân khúc bất động sản giá rẻ. Phân khúc này luôn có thanh khoản nhưng phải chấp nhận lãi chắc chắn sẽ dưới 10%, còn nếu kỳ vọng cao hơn nữa thì không có, vì thời điểm này cơ hội lướt sóng thấp.