Đây có lẽ là phân khúc "ngủ đông" gần như hết thời gian Tp.HCM giãn cách, tính từ thời điểm tháng 5/2021. Nguồn cung cũng như giao dịch phát sinh khá ít khi dịch bệnh kéo dài. Có khoảng thời gian Tp.HCM áp dụng CT10 và CT15 ở một số khu vực thì thị trường đất nền vẫn có giao dịch nhưng ít ỏi. Môi giới phân khúc này cũng gần như "ngồi chơi xơi nước", đợi hết giãn cách xã hội từng ngày để được đi làm.
Trong khoảng thời gian này, ghi nhận cho thấy, nhiều môi giới đất nền đã linh động tìm việc khác để làm "kiếm kế sinh nhai", chờ hết giãn cách quay trở lại thị trường. Trong đó, không ít môi giới BĐS chuyển sang bán đồ ăn, trái cây, rau củ… mùa dịch. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận môi giới do trữ được lượng tiền kiếm được trong nghề trước dịch nên đủ để sinh sống trong thời gian "thất nghiệp", họ cũng mong mỏi Tp.HCM hết giãn cách để được di làm trở lại, có thu nhập vào dịp Tết.
"Em vẫn đang chờ Tp.HCM nới giãn cách để đưa khách đi xem đất . Cũng có vài nhà đầu tư quen hẹn đi xem đất sau dịch rồi, mà giờ đang CT16 nên đâu có đi được", một nam môi giới BĐS khu Đông Sài Gòn chia sẻ.
Hiện nhiều môi giới BĐS vẫn giữ nhịp đăng tin rao bán nhà đất trên các mạng cá nhân của mình, mặc dù không phát sinh giao dịch như trước. Nhưng, theo các môi giới đây là cách để họ tạo niềm tin cho khách hàng, cho thị trường.
Theo báo cáo thị trường đất nền tháng 8/2021 của DKRA Vietnam, cho thấy, trong tháng thị trường đất nền tại Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận có 1 dự án mở bán mới. Cung cấp ra thị trường 23 sản phẩm, tỷ lệ tiêu thụ đạt 26% (khoảng 6 sản phẩm).
Nhiều CĐT đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường. Tuy nhiên, do trong thời gian qua các tỉnh/thành phía Nam áp dụng giãn cách toàn xã hội nên tình hình sức cầu thị trường không có nhiều khởi sắc.
Các CĐT và sàn môi giới nhanh chóng thích ứng với kế hoạch bán hàng online, tuy nhiên đối với "bất động sản" lại chính là tài sản có giá trị lớn, mang tính đặc thù riêng, việc trao đổi thông tin về sản phẩm, đưa ra quyết định mua bán cần có thời gian, xem xét pháp lý, khảo sát thực tế dự án,... mới có thể xuống tiền. Các yếu tố nêu trên, đã tác động đến hiệu quả trong việc triển khai bán hàng.
Theo đơn vị này, thị trường thứ cấp kém sôi động, thanh khoản thị trường ở mức rất thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thị trường đã xuất hiện việc một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ, giảm một phần lợi nhuận để tạo thanh khoản, do chịu áp lực từ lãi vay. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và các tỉnh, thành tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, rất có thể thị trường sẽ xuất hiện việc bán tháo, giảm giá BĐS trên diện rộng.
Theo các môi giới BĐS khu vực phía Đông Sài Gòn, hiện tình trạng bán tháo, cắt lỗ chưa diễn ra nhưng cũng có vài NĐT do áp lực tài chính đã giảm kì vọng lợi nhuận để ra hàng. Cùng với đó, có khá nhiều NĐT có dòng vốn nhà rỗi sẵn vẫn âm thầm nhờ môi giới tìm hàng "ngộp", hàng ngon.
Chia sẻ mới đây, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho hay, giai đoạn này thị trường BĐS đang tạm nghỉ ngơi, tạm tương tác do ảnh hưởng bởi dịch. Còn nói về tiềm năng, BĐS còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Việc giảm giá ở một số phân khúc trên thị trường thời gian gần đây không phải là cắt lỗ hay bán tháo mà nhà đầu tư đang giảm lợi nhuận kì vọng. Chẳng hạn, mua mảnh đất 2 tỉ đồng, nay rao bán 2.7 tỉ, nhưng vì dịch nhà đầu tư muốn bán nhanh, giảm lợi nhận xuống 2.4 tỉ đồng để bán.
Theo ông Lâm, sau dịch có thể thị trường sẽ bật dậy vì nhu cầu bị nén trong thời gian dịch, nguồn cung cũng chưa cải thiện khiến việc giá cũng như thanh khoản còn có cơ hội đi lên. Chưa kể, nhà đầu tư hiện nay xác định là sống chung lâu dài với dịch bệnh, tâm lý không còn dao động như các đợt dịch trước. Vì thế, nhìn tổng quan thị trường BĐS vẫn sẽ quay trở lại nhịp phát triển vốn có của nó, vẫn còn hấp dẫn với nhà đầu tư.