Đất nền Tp.HCM lên "cơn sốt", chuyên gia cảnh báo "thị trường đang rất nhạy cảm"

28/05/2018 15:19
Theo nhiều chuyên viên làm việc tại các công ty giao dịch bất động sản trên địa bàn TP.HCM, cơn sốt này chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro “bong bóng”.

Có mặt tại khu vực UBND quận 9 những ngày người dân nộp hồ sơ, chúng tôi bắt gặp hầu hết  thanh niên vai mang ba lô, tay cầm hồ sơ nhà đất, chủ yếu hỏi chuyện đất cát. 

Anh M., một nhân viên kỹ thuật cho công ty quảng cáo cho biết, hôm nay nghỉ cả buổi sáng để đến phòng đăng ký đất đai quận 9 làm thủ tục sang nhượng lô đất mới mua ngay tại phường Tăng Nhơn Phú. Anh cho biết cách đây vài ngày mới mua lô đất đã có sổ đỏ, giá 2,6 tỷ đồng, nay có người trả lời 300 triệu đồng nhưng chưa muốn bán.

Chìa cho tôi xem bảng photo một khu đất phân lô diện tích 50m2 tại phường Long Phước, quận 9, một khách hàng cho biết một sàn môi giới đòi miếng đất này giá 1,6 tỷ đồng, nhưng chị này tính mua nên mượn bản photocopy giấy tờ nhà đất của họ để tìm hiểu thông tin. "Thấy giá đất lên cũng ham mua nhưng thấy rủi ro quá, không biết như thế nào", chị này nói. 

Anh Nguyễn Thanh Minh ở phường Phước Long B, quận 9, cũng đang ôm hồ sơ đề nghị cập nhật tài sản trên giấy chứng nhận, cho biết thời gian gần đây ngày nào đến nộp hồ sơ cũng thấy rất nhiều người đứng chờ đợi, nên hôm nay đến sớm hơn mọi ngày, từ lúc 7 giờ sáng nhưng 10 giờ vẫn chưa nộp được hồ sơ, chắc phải chiều vô nộp tiếp. 

"Thời điểm người nộp hồ sơ nhà đất tăng đột biến tại Trung tâm hành chính công quận 9, thì quầy số 1 giao dịch đảm bảo là đông đúc nhất. Có ngày đỉnh điểm tiếp nhận gần 200 hồ sơ về giao dịch đảm bảo", ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết.

Còn theo Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường), từ đầu năm đến nay tình trạng mua bán chuyển nhượng đất tăng mạnh. Đặc biệt tại các quận ven và huyện ngoại thành, số liệu từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký các quận huyện thể hiện tình trạng mua bán chuyển nhượng đất của cá nhân chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là các quận huyện đang trong tình trạng "lên cơn sốt".

Cụ thể, trong tháng 3/2018 quận 2 có 2.704 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng, mua bán; quận 9 có gần 7.000 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng mua bán, quận 12 có 5.358 hồ sơ, Hóc Môn 3.357 hồ sơ, Bình Chánh 6.174 hồ sơ; đặc biệt huyện Củ Chi hồ sơ cập nhật biến động chiếm số lượng lớn nhất với 13.866 hồ sơ.

Điều này cho thấy dòng tiền của khách hàng đang trở thành "mồi lửa" đun sôi cơn sốt đất tại các quận vùng ven TP.HCM. Chẳng hạn, tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 - nơi có thể nói là "cơn sốt" đất đang lên đỉnh điểm do ăn theo một loạt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang triển khai xây dựng tại đây. 

Tại Khu đô thị Cát Lái, giá đất tại các dự án xung quanh mấy tháng nay tăng mạnh từng ngày. Bà Trần Thị Thái, ngụ tại Thạnh Mỹ Lợi vừa chuyển về đây sinh sống cho biết, đầu tháng 1/2018, gia đình bà mua lô đất gần 70m2 với giá 1,4 tỷ đồng, đến thời điểm hiện nay tăng lên hơn 4,7 tỷ đồng. 

"Cách đây ít hôm, lô đất ngay bên cạnh nhà chào bán khoảng 2,7 tỷ đồng, hôm sau bán được 3,2 tỷ đồng. Chỉ qua một đêm tăng hàng tỷ đồng. Ngày nào cũng có người đến khu vực này hỏi giá đất", vị này nói thêm. 

Trong khi đó, ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, 7, 9..., người mua, kẻ bán dò hỏi liên tục. Kết quả là so với thời điểm cuối năm 2017, giá đất ở nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM tăng hàng chục triệu đồng/m2, giá đất nền ở các tuyến đường chính đang được đẩy lên cao ngất ngưởng.

Thực vậy, một nhân viên môi giới của sàn giao dịch Biger (đường Nguyễn Xiển, quận 9), giới thiệu hiện nay khu vực này tùy theo dự án, hướng, chiều rộng của đường có giá từ 27-34 triệu đồng/m2. Riêng mặt tiền đường Nguyễn Xiển có giá 65 triệu đồng/m2, nhưng ít có người bán. "Đất khu này so với đầu năm 2018 đã tăng giá gần 50%", nhân viên này cho biết. 

Theo một cò đất "trú đóng" tại Thủ Đức, hiện này, những dự án đất nền có diện tích từ 40 tới 100 m2 tại khu Đông hiện bán chạy nhất. Các lô đất nền có diện tích nhỏ thuộc các dự án đô thị, tái định cư cũng "sốt" do nhiều người dân sống ở những ngõ hẹp trong trung tâm quận muốn chuyển sang nơi ở mới rộng rãi hơn và có chỗ để ô tô. 

Trước thực trạng này, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về việc tăng giá đất quá cao trong thời gian này, trong khi thu nhập thực tế của người dân chưa thực sự tăng tương xứng. Đây có thể là dấu hiệu sốt ảo giống như thời kỳ trước năm 2010, cho nên người dân phải thực sự tỉnh táo khi đầu tư vào thời điểm này.

"Thị trường đang rất nhạy cảm. Nhưng theo những dấu hiện tôi đang quan sát, khả năng những cơn sốt đã bắt đầu quay lại từ sau tết nguyên đán và tiếp tục đang bị đẩy lên rất cao. Trước tình hình này, trong suốt quý 2 và những quý tiếp theo, cơn sốt này khó mà hạ nhiệt", ông Phan Công Chánh - chuyên gia phân tích thị trường BĐS cá nhân, nhận định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chánh cũng cho biết khách hàng phải hết sức thận trọng khi xuống tiền. Nếu nhìn vào mức tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô, chúng ta đang kỳ vọng rất lớn vào việc thị trường địa ốc sẽ có đợt bùng nổ mới khi nhiều dòng vốn đang "chảy" mạnh vào đây. Tuy nhiên, nhiều "cò" đất đang lợi dụng thông tin quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, khu đô thị thông minh đầu tiên tại TP.HCM để làm giá. 

"Thậm chí, họ tự vẽ ra những viễn cảnh tươi sáng khi có một tuyến đường sắp được mở rộng, tự đôn tiến độ hoặc rút ngắn thời gian thi công một dự án hạ tầng nào đấy để kích thích người mua nhà đất", vị chuyên gia này nói thêm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng do thị trường bất động sản đang "tăng nhiệt" nhu cầu mua bán đất đai của người dân tăng cao. Khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người dân cần kiểm tra tính pháp lý của diện tích đất định mua hoặc đến cơ quan quản lý xác minh rõ nguồn gốc, đất có nằm trong dự án quy hoạch hay không. Tránh tình trạng một số đối tượng xấu lợi dụng việc "nóng" lên của thị trường nhà đất, trao đổi, chuyển nhượng những lô đất nằm trong quy hoạch hoặc không được phép giao dịch.

Tin mới

Giảm giá sập sàn, Black Friday đã hết hấp dẫn?
3 giờ trước
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Black Friday (29-11) - đợt giảm giá "sập sàn" cho mùa mua sắm cuối năm nhưng nhiều cửa hàng tại TP HCM khá ảm đạm.
Mạnh dạn đầu tư trồng cây "không lá" gai góc, anh nông dân thu lãi 500 triệu/năm rất nhẹ nhàng
4 giờ trước
Nghỉ việc ở công ty chuyển sang trồng loại cây không lá, anh Thái Đắc Trọng (ngụ tại quận Ô Môn, Tp.Cần Thơ) thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Black Friday đúng đợt rét nhất từ đầu mùa, người Hà Nội đổ xô mua quần áo
4 giờ trước
Dịp Black Friday năm nay vào đúng đợt Hà Nội chuyển lạnh nên các cửa hàng quần áo thu hút đông đảo khách tới mua sắm.
Sức mạnh của Trung Quốc: Phần còn lại của thế giới khó lòng giảm phụ thuộc, toàn chuỗi cung ứng bị chi phối bởi hàng giá rẻ
4 giờ trước
Bất cứ thứ gì người khác có thể cung cấp, Trung Quốc đều làm được với giá rẻ hơn.
Toyota Corolla Cross hybrid đổi pin công nghệ mới giống Camry 2025, dễ về Việt Nam trong thời gian gần
4 giờ trước
Toyota Thái Lan vừa công bố bản nâng cấp 2024 cho SUV Corolla Cross với một số thay đổi về thiết kế, trang bị và hệ truyền động.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng chỉ đạo hai bộ siết chặt hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử nước ngoài
5 giờ trước
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính cùng nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử.
SUV hạng B giá dưới 600 triệu tại Việt Nam: Đủ loại thương hiệu Nhật, Hàn, Trung, rẻ hơn xe hạng A
5 giờ trước
Giá khởi điểm của nhiều mẫu xe hạng B như Xforce, Creta, Seltos và cả C5 mới ra mắt đều chưa đến 600 triệu đồng, tạo điều kiện cho nhiều khách hàng tiếp cận phân khúc xe này hơn.
[Trên Ghế 45] Cha đẻ VinFast VF 7 bằng gỗ: Chi phí hết 100 triệu nhưng không đắt bằng chất xám và công sức 12 tiếng/ngày trong hơn 2 tháng
7 giờ trước
Chiếc VinFast VF 7 bằng gỗ được anh Trương Văn Đạo cùng các cộng sự chế tạo chỉ trong 65 ngày.
Omoda C5 chính thức chào sân thị trường Việt Nam: Đấu Kia Seltos, Hyundai Creta bằng giá từ 589 triệu
12 giờ trước
Mẫu SUV cỡ B+ này sẽ chính thức bàn giao ngay trong tháng 11 với 2 phiên bản là Premium và Flagship.