Môi giới đất nền đem Carina Plaza “dọa” khách
Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, tâm lý e ngại sống ở chung cư cao tầng đang tăng lên trong. Tại hội nghị về phòng cháy chữa cháy diễn ra hôm 4.4 vừa qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng chia sẻ thông tin rằng phân khúc thị trường căn hộ chung cư đã bị tác động không nhỏ, giao dịch bị chững lại trong 10 ngày qua.
HoREA đồng thời phát đi cảnh báo, sau vụ cháy chung cư Carina Plaza thì đã xuất hiện hiện tượng đầu nậu, cò đất lợi dụng để đầu cơ, thổi giá đất nền phân lô để trục lợi. Qua khảo sát thực tế cho thấy đa số môi giới đất nền hiện nay đều đem vụ cháy thảm khốc với 13 người tử vong vừa qua để “dọa” khách hàng và thuyết phục mua đất xây nhà cho an toàn.
Đơn cử, theo một môi giới trên đường Nguyễn Xiển, quận 9, chia sẻ: “Thời gian gần đây, thị trường đất nền nóng lại, đặc biệt sau mấy vụ cháy chung cư. Những khu trước khi treo bảng đến 3 tháng không ai hỏi mua, mấy hôm nay khách tới hỏi liên tục”. Ngoài việc dọa cháy thì môi giới đất nền cũng làm giá bằng cách tung tin dự án đã hết hàng. Điển hình, tại huyện Củ Chi, nhân viên tại sàn môi giới Lan Phương Real, chia sẻ: “Dự án Bình Mỹ Center có 200 lô và đã bán hết vào ngày mở bán 18.3 rồi”.
HoREA cũng vừa đưa ra khuyến cáo rằng tác động tiêu cực của vụ Carina Plaza chỉ có tính ngắn hạn trong vài tháng vì trong quá trình đô thị hóa, xu hướng chọn mua chung cư vẫn rất lớn. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA khẳng định nhu cầu lựa chọn sống trong các căn hộ chung cư cao tầng (cao cấp, trung cấp, bình dân) của các tầng lớp nhân dân rất lớn và đang gia tăng theo thời gian. Đặc biệt là loại căn hộ bình dân đang rất thiếu trên thị trường, như năm 2017, toàn thành phố chỉ có 12.495 căn nhà ở bình dân, chỉ chiếm tỷ lệ 29,1% tổng số căn hộ đưa ra thị trường, trong lúc nhu cầu loại căn hộ này lên đến vài trăm ngàn căn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, khách hàng, người tiêu dùng đòi hỏi và yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn cả về mặt tiện ích, dịch vụ, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn, PCCC đối với chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng.
Ở chiều ngược lại, chủ đầu tư cũng nâng cao nhận thức trách nhiệm, phải đảm bảo chất lượng công trình, tiện ích, dịch vụ, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn, PCCC chung cư để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Với tâm thế này, thị trường bất động sản có khả năng nâng lên một chất lượng mới, một đẳng cấp mới, có lợi cho người tiêu dùng, chủ đầu tư và cộng đồng xã hội, được an toàn và bình yên hơn.
Nhu cầu mua đất nền là có thật
Trong thực tế nhu cầu sở hữu đất nền là có thật của khá đông người dân TP.HCM. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đất nền khu Tây Bắc TP.HCM cho rằng, bên cạnh tâm lý có "miếng đất cắm dùi", "an cư lạc nghiệp" của người Việt, thì giá cả và tiềm năng sinh lợi của đất nền vùng ven đang là những yếu tố tác động đến quyết định của người mua.
Dự án đất nền Nhơn Trạch Đồng Nai
Không thể phủ nhận là hiện các kênh đầu tư như ngoại tệ, vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm chưa hấp dẫn người dân tham gia vào hoạt động đầu tư trong khi số người dân có khoản tiền tích trữ từ 400 triệu đồng còn lớn nên đất nền vùng ven trở thành kênh đầu tư được lựa chọn an toàn, nhằm tìm kiếm một tỷ lệ lợi nhuận phù hợp và bảo tồn được giá trị vốn.
Thêm nữa, trong 3 năm trở lại đây, giá đất tại TP.HCM liên tục tăng, thậm chí một số quận ngoại thành như Hóc Môn, Thủ Đức, quận 9 có vị trí tương đối đẹp, giá đã ở tầm 25 - 35 triệu đồng/m2. Điều này là yếu tố thúc đẩy khách hàng về các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai tìm kiếm cơ hội đầu tư và an cư với tầm giá 6 - 9 triệu/m2 trong các dự án được đầu tư hạ tầng bài bản, pháp lý minh bạch...
Ngoài ra, quỹ đất "sạch" để phát triển dự án đất nền, nhà phố của TP ngày một khan hiếm, công tác giải tỏa đền bù rất phức tạp, thời gian cho một dự án từ khi xin chủ trương đến triển khai dự án có khi chủ đầu tư phải mất từ 2 - 5 năm làm cho cơ hội kinh doanh của chủ đầu tư trôi qua, nên thực chất rất hiếm dự án "sạch" được chào bán.
Điều đáng nói là từ nửa cuối năm ngoái, thông tin về việc phân bổ vốn, triển khai hàng loạt công trình hạ tầng kết nối liên vùng đã có tác động mạnh đến thị trường đất nền vùng ven. Cụ thể như tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) đã được chấp thuận kéo dài tới chợ Sặc (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) và Thị xã Dĩ An (Bình Dương).
Hay việc Đồng Nai dự kiến triển khai 8 dự án hạ tầng lớn, với tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng nhằm thực hiện chủ trương xây dựng TP. Biên Hòa trở thành đô thị loại I (giai đoạn 2017 - 2020), hoặc thông tin Bộ Tài chính chuyển cho Đồng Nai 4.500 tỷ đồng để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (H.Long Thành) khiến tình hình giao dịch đất đai ở những khu vực này thêm sôi động và giá đất không ngừng tăng.
Theo đó, ở một số khu vực đất có giấy tờ, quy hoạch rõ ràng thuộc những phường rìa ngoài trung tâm TP. Biên Hòa như Tam Phước, Phước Tân... giá đất tăng hơn 5 - 10%. Không chỉ Đồng Nai, các khu vực kết nối trực tiếp vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương như Bến Lức, Đức Hòa (Long An), quỹ đất sạch để phát triển dự án gần như không còn nhiều nên giá ở thị trường thứ cấp liên tục tăng.